Đường sắt tuyến Hà Nội - TP. HCM và Hải Phòng chạy lại tàu khách từ 13/10

Đường sắt sẽ được thí điểm chạy lại tàu khách tuyến Hà Nội - TP. HCM và Hà Nội - Hải Phòng từ 13/10 đến 20/10.

Hashtag: Nóng trên mạng xã hội

Theo đó, đường sắt sẽ được thí điểm chạy lại tàu khách trên tuyến Hà Nội -Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội -Hải Phòng trong 7 ngày từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021.

Trong thời gian thực hiện quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp tình hình, phối hợp các địa phương để kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh.

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải đáp ứng yêu cầu tiêm đủ liều vaccine và liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp). Đối với bệnh nhân đã mắc Covid-19 phải có giấy ra viện/ giấy xác nhận khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Hành khách thuộc nhóm này được bán vé theo chỗ tại toa xe riêng trên đoàn tàu.

Đường sắt tuyến Hà Nội - TP. HCM và Hải Phòng chạy lại tàu khách từ 13/10 (Ảnh minh họa).

Hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu. Trong quá trình di chuyển tuân thủ “Thông điệp 5K” ; khai báo theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, hành khách cũng cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương.

Với lái tàu, nhân viên công tác trên tàu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Bên cạnh đó yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 7 ngày đối với lái tàu và 72 giờ đối với nhân viên công tác trên tàu trước khi lên tàu.

Sau chuyến tàu, trường hợp tổ tàu thực hiện chuyến tàu khứ hồi trong ngày hoặc trong vòng 24 tiếng thì không cần xét nghiệm khi quay lại, tuân thủ nguyên tắc  5K, tự theo dõi sức khỏe.

Nếu cư trú tại địa phương, tổ tàu được về nhà, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến tàu tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương. Nếu lưu trú tạm thời, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.

Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú phải quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế). Trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Các nhà ga xây dựng phương án đón, trả hành khách ra bảo đảm quy định về phòng, chống dịch; bố trí điểm khai báo y tế, điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh... Bên cạnh đó khu vực bán vé, phòng chờ, nơi hành khách lên, xuống phương bố trí bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Bài liên quan

News feed