10 gia tộc quyền lực, giàu có và danh giá bậc nhất Việt Nam: Nhà Sơn Kim chưa phải số 1
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/03/2022 18:18 (GMT +7)
Tại Việt Nam có nhiều gia tộc nổi danh ở nhiều mặt: Học vấn, quyền lực, giàu có và danh giá đều có đủ. Họ có sức ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, xã hội nước nhà.
Nội dung chính
1. Gia tộc họ Phạm của tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Là người Việt Nam ắt hẳn ai cũng ít nhiều biết đến cái tên Vingroup và tỉ phú Phạm Nhật Vượng (sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội). Khởi nghiệp từ Đông Âu, tính đến năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 7,4 tỉ USD (xếp thứ 344 danh sách những tỉ phú trên thế giới - theo Forbes). Ông Vượng cũng chính là người giàu nhất Việt Nam hiện tại.
Hệ sinh thái Vingroup do ông Vượng là người đứng đầu là một đế chế đa ngành bao gồm nhiều lĩnh vực lớn như Bất động sản, bán lẻ, sản xuất ô tô, tài chính, thương mại,... với đại diện là những cái tên danh tiếng như: Vincom, Vinpearl (hiện đã bán phần lớn cho Meliá), Vinhomes, Vinmec, Vinschool, VinFast...
Vợ ông Phạm Nhật Vượng là bà Phạm Thu Hương (sinh năm 1969 tại Hà Nội) đang là Phó chủ tịch thường trực tập đoàn Vingroup, bà đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu VIC (tương đương khoảng 17 nghìn tỷ đồng), thuộc diện giàu nhất nhì thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, gia tộc họ Phạm còn có 2 người em là ông Phạm Nhật Vũ (đứng đầu tập đoàn AVGroup) và bà Phạm Thị Lan Anh là thành viên HĐQT, nắm mảng bảo hiểm của tập đoàn VinGroup. Ngoài ra bà cũng đang đứng tên là chủ 3 công ty riêng về truyền thông và thông tin dịch vụ.
Ông Phạm Nhật Vượng có 3 người con lần lượt là: Phạm Nhật Minh Hoàng, Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Anh. Trong đó, ông Phạm Nhật Quân Anh sở hữu 0,5% cổ phần VinFast (theo định giá Vinfast đang vào khoảng 50 tỉ USD sau khi IPO ở Mỹ, tương đương 0,5% cổ phần là khoảng 250 triệu USD) và giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này.
2. Gia tộc Nguyễn Lân
Xét về học thức và độ danh giá có tính kế thừa truyền thống nhiều đời thì khó có gia tộc nào qua được gia tộc Nguyễn Lân. Trải dài qua nhiều thế hệ, gia tộc nổi tiếng về học thức cũng như sự thịnh vượng, giàu có này đã ghi dấu trong lịch sử nước nhà khi có nhiều đóng góp vô cùng to lớn về mặt học thuật, khoa học nghiên cứu, y học, kỹ thuật ... cho sự phát triển của Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Lân (1906 -2003) là nhà giáo ưu tú, nhà biên soạn từ điển, học giả nghiên cứu tâm lý học của Việt Nam. Ông là người có công lao to lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học trong hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Lân có 7 người con trai và 1 người con gái, trong đó 7 người con trai là Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung đều là những Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong ngành giáo dục và y học, khoa học kỹ thuật, đóng góp các công trình to lớn cho nước nhà. Tính đến 3 đời các con trai, con gái, dâu rể, các cháu thì gia đình Nguyễn Lân đã có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
3. Gia tộc Johnathan Hạnh Nguyễn
Người đứng đầu gia tộc giàu có nức tiếng này là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP) có trụ sở ở Việt Nam và đặt chi nhánh ở khắp châu Âu, Châu Á và Mỹ. Ông Hạnh Nguyễn được giới kinh doanh trao tặng danh xưng "Vua hàng hiệu" bởi tập đoàn Liên Thái Bình Dương là đối tác phân phối độc quyền của hơn 100 thương hiệu lớn nhất trên thế giới như Burberry, Chanel, Versace, CK; Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton, MAC Cosmetics, Rolex,… Vốn điều lệ của tập đoàn Liên Thái Bình Dương vào khoảng gần 7000 tỉ đồng. Doanh số hàng năm của tập đoàn này vào khoảng 460 triệu USD (hơn 10.500 tỷ đồng) và đóng thuế cho nhà nước trung bình gần 2000 tỉ đồng mỗi năm.
>>> Xem thêm: 4 nam nhân gia đình tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn đứng chung khung hình
Gia đình ông còn đầu tư quản lý rất nhiều trung tâm thương mại điển hình như trung tâm thương mại Tràng Tiền nằm chính giữa khu đất kim cương của thủ đô Hà Nội và hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ cao cấp, các chuỗi cửa hàng miễn thuế trên khắp các sân bay lớn nhỏ tại Việt Nam. Những năm gần đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn tham gia đầu tư Nhà ga quốc tế Cam Ranh và kinh doanh vận tải hàng không.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn có 8 người con. Trong đó 6 người con với người vợ đầu gồm 3 trai, 3 gái, 2 người con với người vợ thứ 2 là nữ diễn viên, doanh nhân Thủy Tiên gồm 1 trai, 1 gái. Trong số các con của ông, nổi tiếng nhất là con trai Luis Nguyễn và vợ là diễn viên Tăng Thanh Hà, người con thứ là Phillip Nguyễn và hôn phu Linh Rin...
4. Gia tộc họ Trương
Gia tộc họ Trương là một trong hai gia tộc được xem là lớn nhất phía Nam. Trương gia từ lâu đã làm nên danh tiếng lẫy lừng và được coi là một đế chế kinh doanh ít gia tộc nào so bì được với cái tên nổi bật là tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) - tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát được thành lập từ năm 1991 do bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT) sáng lập. Tập đoàn này sở hữu số vốn điều lệ "khủng" là 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bà Trương Mỹ Lan được cho là sở hữu cổ phần số lượng lớn của 3 ngân hàng là SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa. Vạn Thịnh Phát đi lên từ lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn rồi bất động sản. Vạn Thịnh Phát còn là "công ty mẹ" của 3 công ty khác là Công ty CP Đầu tư An Đông (vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng).
Bà Trương Mỹ Lan hiện sở hữu 80% cổ phần của Vạn Thịnh Phát, tương đương 4.800 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng từ các công ty liên quan kể trên. Hiện nay, gia tộc họ Trương và các con cháu đều sở hữu hoặc đứng tên sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ đắt giá và có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM như khách sạn thương mại An Đông, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence hay nổi bật nhất là tòa nhà 40 tầng Times Square, tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Huệ đắt đỏ nhất của Sài Thành. Trong số này, nổi tiếng với công chúng nhất có lẽ là người cháu ruột của bà Lan, tiểu thư Trương Huệ Vân và chồng là nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng Thanh Bùi.
5. Gia tộc Lý Quí
Gia tộc Lý Quí là một gia tộc có truyền thống kinh doanh lâu đời và có tính kế thừa cao. Nổi danh ở lĩnh vực ẩm thực, gia tộc Lý Quí có trụ sở chính ở TP.HCM và khẳng định tên tuổi số một trong lĩnh vực của mình với hàng loạt chuỗi nhà hàng, quán café nổi tiếng bậc nhất ở đất Sài Gòn như chuỗi cafe Ciao, Terrace, Maxim’s Nam An, An Viên,... sau đó lấn sang bất động sản, nội thất và nhiều lĩnh vực khác. Một ví dụ là hệ thống showroom nội thất Nhà Xinh với 20 showroom trên cả nước cũng thuộc sở hữu của gia đình Lý Quí.
>>> Xem thêm: Chân dung người bố danh tiếng của nhà thiết kế Lý Quý Khánh: giáo sư, doanh nhân Lý Quý Trung
Gia tộc kinh doanh nhà Lý Quí đi lên cực thịnh từ đời doanh nhân Lý Quí Trung (thuộc thế hệ thứ 2), vốn là 'con nhà nòi' danh gia vọng tộc. Cha ông Lý Quí Trung là ông Lý Quí Chung (bút danh nhà báo là Chánh Trinh), từng giữ chức Bộ trưởng thông tin Chính phủ thời Việt Nam Cộng Hòa còn mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, một nữ doanh nhân "máu mặt", chủ sở hữu nhà hàng Thanh Niên danh tiếng tọa lạc giữa trung tâm Quận 1. Con trai của ông Lý Quí Trung là nhà thiết kế Lý Quí Khánh là cái tên nổi tiếng và có nhiều mối liên hệ rộng rãi với giới showbiz Việt. Hiện tại, ước tính số thương hiệu thuộc sở hữu của gia tộc Lý Quí được định giá lên tới hàng tỉ USD.
6. Gia tộc họ Đặng của doanh nhân Đặng Văn Thành
Ngôi sao lớn nhất của gia tộc họ Đặng và doanh nhân Đặng Văn Thành chính là Tập đoàn Thành Thành Công, một tập đoàn tư nhân nắm quyền chi phối hầu hết các doanh nghiệp mía đường lớn bậc nhất cả nước như CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC). Ngoài ra, tập đoàn này còn mở rộng sang các lĩnh vực như năng lượng - điện với CTCP Điện Gia Lai, hạ tầng khu công nghiệp, nông sản, kho bãi, xuất nhập khẩu, xăng dầu.... với Sacomreal, Tổng Công ty Tín Nghĩa. Ông Thành và gia đình sở hữu phần lớn cổ phần trong các công ty này với khối tài sản vào khoảng hơn 7000 tỉ đồng.
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc có 4 người con gồm: Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn. Tất cả đều nắm những vị trí trọng yếu hoặc đứng đầu tại các doanh nghiệp then chốt của tập đoàn Thành Thành Công.
7. Gia tộc Vưu Khải Thành
Gia tộc họ Vưu được mệnh danh là "vua giày dép", chủ sở hữu của thương hiệu Biti’s mà bất cứ người Việt Nam nào cũng từng biết đến. Biti's được gia đình doanh nhân Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Biti's hiện có thể coi là doanh nghiệp lớn bậc nhất về giày dép tại Việt Nam.
Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, TP.HCM, ban đầu chỉ là xưởng gia công các loại dép cao su. Đến năm 1986 hai tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu.
"Biti’s" cũng chính là viết tắt của 2 chữ Bình Tiên. Đến những thập niên 90, Biti's đã là cái tên lớn mạnh bậc nhất thị trường giày dép Việt Nam với sologan huyền thoại: "Nâng niu bàn chân Việt". Vốn hóa của Biti's vào khoảng 436,86 tỷ đồng. Trong đó, ông Vưu Khải Thành và gia tộc họ Vưu nắm giữ gần 87% vốn doanh nghiệp.
Ông Vưu Khải Thành (1950)- Chủ tịch của Biti's là người gốc Hoa, vợ ông là bà Lai Khiêm cùng 3 người con là Vưu Lệ Quyên (hiện là CEO của Biti's), Vưu Lệ Minh và Vưu Tuấn Kiệt.
8. Gia tộc Đỗ Phú
Gia tộc Đỗ Phú là một gia tộc có truyền thống ba đời kinh doanh và khoa cử. Khởi nguồn là cụ Đỗ Thế Sử, một nhà báo từng là Tổng biên tập Báo Sơn Tây, sau này chuyển sang làm kinh doanh đến tận năm 73 tuổi vẫn thành lập công ty Gamexco - xuất khẩu hàng may mặc sang châu Âu. Cụ Sử có tất thảy 11 người con và cả 11 người đều trở thành danh ở nhiều lĩnh vực như khoa học, y học, giáo dục và doanh nhân.
Trong số này, nổi bật là ông Đỗ Minh Phú (người con trai thứ ba) giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT TPBank. Ông Đỗ Anh Dũng là chủ tịch Tân Hoàng Minh, Ông Đỗ Anh Tú là Phó chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana. Ông Đỗ Quốc Bình là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD, bà Đỗ Xuân Mai, điều hành Công ty Green Global; bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc một công ty sản xuất ống nhựa....
Để nói về độ giàu có của gia tộc họ Đỗ thì rất khó tính toán cụ thể, chỉ tính riêng vốn điều lệ của TPBank đã là hơn 15 nghìn tỉ đồng, Tập đoàn Doji với vốn chủ sở hữu lên tới 6.000 tỉ đồng và tổng tài sản ước tính đạt 15.000 tỉ đồng. Hiện tại, các con cháu của gia tộc họ Đỗ vẫn tiếp tục đảm nhận các vị trí trọng yếu trong hệ sinh thái của đế chế kinh doanh lẫy lừng của gia tộc.
9. Gia tộc Lý Ngọc Minh
Thêm một gia tộc họ Lý nữa, nhưng là về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Gia tộc ông Lý Ngọc Minh, người được mệnh danh là "Vua gốm sứ" - người thành lập ra công ty gốm sứ Minh Long lấy lừng từ những năm 1970. Với bề dày lịch sử tới hơn 50 năm, hiện tại thì cái tên Gốm sứ Minh Long đã đường hoàng chiếm vị trí là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Sản phẩm của công ty có mặt tại hàng chục quốc gia khác nhau trải dài tất cả các châu lục.
Gốm sứ Minh Long là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và hiện tại, 98% sản lượng của Minh Long vẫn là xuất ra các nước trên thế giới. Trong gia tộc họ Lý, thế hệ các em, các con của ông Minh đều tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia tộc. Ông Ngọc Minh có 4 người con là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu hiện đều chia nhau nắm giữ các vị trí trọng yếu của Công ty TNHH Minh Long. Hiện nay, công ty có số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng và thuộc top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.
10. Gia tộc Sơn Kim
Gia tộc Sơn Kim nắm giữ các công ty khác nhau trong nhiều lĩnh vực thuộc hệ sinh thái Sơn Kim Group gồm: Bất động sản, giáo dục, thời trang, bán lẻ, ăn uống, dược phẩm và nội thất. Gia tộc Sơn Kim có truyền thống kinh doanh lâu đời nhưng phát triển cực thịnh dưới bàn tay lèo lái tài tình của nữ cường nhân Nguyễn Thị Sơn, xuất phát từ hợp tác xã may mặc Đại Thành. Bà Sơn đã đặt nền móng cho tập đoàn đa lĩnh vực Sơn Kim sau khi kinh qua hàng loạt các vị trí trọng yếu tại công ty may mặc XNK Legamex, một trong những doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam đầu thập niên 90, sau đó bà Sơn còn chuyển sang làm giáo dục là là một trong những người thành lập trường đại học VCCI, thành lập và sở hữu trường THCS-THPT Duy Tân.
>>> Xem thêm: Bà Nguyễn Thị Sơn là ai? Gia tộc Sơn Kim vì sao giàu có? Những bí mật về Sơn Kim ít người biết đến
Sau 28 năm phát triển, Sơn Kim Group hiện có khoảng 11 công ty thành viên với 4 mảng chính: Bất động sản (SonKim Land), thời trang (SonKim Mode), bán lẻ (VGS Shop), khai thác phim trường (Vision 21), chưa kể đến các công ty thuộc về thế hệ con cháu của bà Sơn như Công ty dược phẩm - y sinh Nanogen-Bio hay Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Nam Á (SEADI). Gia tộc Sơn Kim chính là chủ đầu tư của hàng loạt dự án "trọng điểm" như chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Serenity Sky Villas, Metropolitan,... sở hữu các thương hiệu thời trang VERA, JOCKEY, WOW... và hàng loạt thương hiệu khác. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của Sơn Kim Group vào khoảng 7.600 tỷ đồng với doanh thu hàng năm ước đạt hơn 800 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Sơn có 5 người con là Hồng Vân, Hoàng Tuấn, Hoàng Anh, Hồng Trang và Hoàng Lâm. Tất cả các con bà đều đang là những người đứng đầu của các công ty trọng yếu của Sơn Kim Group.