Bánh trôi tàu: Thức quà ngọt lịm, nóng hổi tuyệt vời cho ngày đông lạnh
- Rin Chen
- Đăng lúc: Thứ tư, 04/11/2020 12:55 (GMT +7)
Hà Nội có vô vàn món ăn ngon, nhưng vào mùa đông, nhiều người chỉ thèm da diết một bánh trôi tàu ngọt lịm, nóng hổi, thơm mùi gừng.
Hà Nội bắt đầu vào đông cũng là lúc những trái tim “yêu ẩm thực” thủ đô lại xốn xang thèm một món gì nong nóng. Và nếu để chọn ra một món ăn phù hợp nhất, vừa nhẹ nhàng không gây nặng bụng, vừa khiến bạn phải xuýt xao khi thưởng thức thì đó chỉ có thể là món bánh trôi tàu.
Nguồn gốc món bánh trôi tàu
Theo nhiều nguồn tin, bánh trôi tàu vốn có nguồn gốc từ món sủi dìn của Trung Hoa và được du nhập vào Việt Nam qua những Hoa kiều. Trong quá trình hội nhập, sủi dìn cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với người bạn địa, và rồi món bánh trôi tàu ra đời.
Cụ thể sủi dìn viên nhỏ hơn, còn bánh trôi tàu viên lớn hơn, nhưng nguyên liệu về cơ bản vẫn thế, vỏ là bột nếp, nhân là vừng đen hặc đậu xanh. Đặc biệt các món bánh này không thể thiếu được nước dùng nấu từng đường mía và không thể thiếu được chút gừng.
Bánh trôi tàu là món ăn nóng, cả bánh và nước dùng đều được đun liu riu trên bếp để đảm bảo khi có khách gọi bát bánh phải nóng hổi, đủ sưởi ấm đôi tay đang lạnh cóng vì cái rét ngọt của mùa đông. Và độ nóng của bát bánh của giúp cho mùi bột, mùi đường thêm ngào ngạt, làm chiếc dạ dày của thực khách càng thêm réo rắt.
Có gì trong một bát bánh trôi tàu?
Để làm được một bát bánh trôi tàu, người ta cần làm khá kì công và tỉ mỉ. Gạo để làm bột phải là gạo nếp loại ngon. Bột nếp sau khi được trộn với một chút nước sẽ được đem đi nhào thành những khối mềm, dẻo và mịn. Sau khi thấy không còn dính nữa thì bạn sẽ mang đi ủ khoảng nửa tiếng và đem chia thành các phần nhỏ, vo tròn rồi thả vào nồi luộc.
Thông thường, một bát bánh trôi tàu sẽ có 2 đến 3 viên bánh và bao giờ cũng đủ cả nhân mè lẫn đậu xanh, trừ khi bạn dặn trước chỉ ăn một loại nhân nhất định. Bạn có thắc mắc vì sao người bán hàng phân biệt được những cục bột trắng, to như trái trứng gà kia có nhân gì không? Đó là bởi ngay từ khi nặn, người bán đã định hình sẵn hình dáng cho từng loại nhân, chẳng hạn nhân mè thì tròn, nhân đậu thì hơi dẹt.
Cách trang trí một bát bánh trôi tàu cơ bản sau khi múc bánh, chan nước sẽ được rắc thêm một chút vừng, ít dừa nạo. Gần đây, một số tiệm sẽ cho thêm chút cốt dừa beo béo. Có thể nói, “linh hồn” của những bát bánh trôi tàu nằm ở nồi nước dùng đặc biệt ăn kèm bánh.
Sau khi cho đường và nước vào đun sôi, người ta sẽ thả thêm vào vài lát gừng để nước dùng thơm và ấm bụng. Khi đường đã tan hết, các viên bánh trôi tàu vừa được luộc sôi đẽ được đem thả vào và đun nhỏ lửa cho thấm đều rồi đem múc ra bát. Bạn có thể trang trí thêm bát bánh trôi tàu của mình bằng một chút lạc rang hay nước cốt dừa hay dừa nạo nhỏ.
Tuy các nguyên liệu để làm bánh trôi tàu đều rất bình dị, thế nhưng chính thứ bình dị ấy dần dần lại trở thành một phần không thể tách rời của ẩm thực Hà Nội. Những chiều mùa đông lạnh lẽo, người ta rất dễ đói và dễ... thèm đủ thứ, và trong vô vàn món ngon của Hà Nội, nhiều người vẫn thèm thiết tha một bát bánh trôi tàu nóng hổi, thơm lừng. Không phải chỉ vì hảo ngọt mà bởi cái dẻo, thơm, cay, bùi của món này thực sự hoàn hảo để xoa dịu cả cái bụng đói và một tâm hồn dễ trở buồn trong những chiều đông xám.
Một số địa chỉ bán bánh trôi tàu ngon ở Hà Nội
Bánh trôi tàu Đê Tô Hoàng : 98-100 đường Đê Tô Hoàng
Bánh trôi tàu bác Phạm Bằng : 30 Hàng Giầy
Xôi chè bà Thìn : 1 Bát Đàn