Đan Mạch có đến hàng trăm con chồn nhiễm Covid-19 trốn thoát
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ tư, 02/12/2020 14:43 (GMT +7)
Mỗi năm có khoảng 5% chồn trốn khỏi các trang trại nuôi nhốt tại Đan Mạch. Quan trọng là trong số những con chồn trốn thoát có hàng trăm con nhiễm Covid-19.
Theo thông tin từ ScienceAlert, vào đầu tháng 11/2020, chính phủ Đan Mạch đã đưa ra quyết định tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi. Tuy có thể được xem là tàn nhẫn, nhưng đây là việc làm được đánh giá là cần thiết sau khi họ tìm thấy dấu vết của virus corona chủng đột biến xuất hiện trong số chồn này.
Tuy nhiên theo báo cáo của The Guardian, có tới hơn 100 cá thể chồn nhiễm virus Covid-19 đã trốn thoát khỏi các trang trại tại Đan Mạch. Đây là vấn đề khiến giới chuyên gia lo ngại, khi số chồn này mang nguy cơ làm lây lan virus corona ra ngoài tự nhiên và có thể tạo thành một ổ dịch mới.
Theo Sten Mortensen, chuyên gia tại Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch cho biết mỗi năm, có khoảng vài ngàn con chồn trốn thoát khỏi các trang trại. Những con chồn này có thể trở thành nguồn bệnh lây lan cho các loài vật khác, dù đã có hàng triệu con chồn tại các trang trại đã bị tiêu hủy.
Trước đó, hàng trăm trang trại tại Đan Mạch đã ghi nhận có phát hiện chủng virus Corona lây lan trong các quần thể chồn. Trong đó, một số mẫu virus là cá thể đột biến, gây lo ngại lây lan sang con người. Và nếu trường hợp ấy xảy ra, các loại vaccine Covid-19 hiện nay sẽ không còn giá trị nữa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia hiện nay lại tỏ ra khá nghi ngờ về luận điểm này, vì cho rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy virus đột biến có thể kháng lại vaccine. Và phải thừa nhận rằng việc 17 triệu con chồn đã bị tiêu hủy đã hạn chế số ca nhiễm rất nhiều, không có bất kỳ ca nhiễm nào liên quan đến chủng virus đột biến xuất hiện nữa. Tuy nhiên, hiện nay nhà chức trách cho rằng số virus ấy vẫn có thể lây lan mà không ai biết ngoài tự nhiên.
Theo Mortensen, chồn là loài vật tồn tại khá độc lập, nên khả năng lây lan virus từ chúng là khá thấp. Các loài vật khác như mèo hoang chỉ bị nhiễm nếu ăn phải thịt chồn mắc bệnh, hoặc tiếp xúc với phân của chúng.
Tuy nhiên, Marion Koopmans - giám đốc viện khoa học virus tại ĐH Erasmus (Rotterdam, Hà Lan) lại cho rằng nếu để chồn nhiễm bệnh thoát ra ngoài tự nhiên, virus corona sẽ tiếp tục lan sang nhiều loài khác, tạo ra rủi ro vĩnh viễn cho con người và các loài động vật.
Theo đó, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Mỹ hiện đều ghi nhận các trường hợp chồn nhiễm virus corona tại các trang trại, kéo theo việc tiêu hủy hàng ngàn con.