Người sáng lập Nhà chống lũ trả lời câu hỏi về nhà phao bị trôi trong lũ
- VV
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/10/2020 21:07 (GMT +7)
Hình ảnh một nhà phao đang trôi khiến dư luận đặt câu hỏi cho tính hiệu quả của nhà chống lũ. Người sáng lập Phạm Thị Hương Giang đã lên tiếng về Vấn đề này.
Chị Phạm Thị Hương Giang (tên thường gọi là Jang Kều) - người sáng lập dự án Nhà chống lũ - đã đăng tải lên trang cá nhân một dòng trạng thái dài trả lời các câu hỏi từ dư luận về Nhà chống lũ, nhà phao và các vấn đề liên quan mà dư luận đang tranh cãi.
Động thái này của chị Hương Giang diễn ra khi mạng xã hội có những hình ảnh về một nhà phao bị lũ cuốn trôi đồng thời có ý kiến nghi ngờ về hiệu quả thực sự của nhà phao thuộc dự án Nhà chống lũ.
Theo đó, chị Hương Giang giải thích 6 nội dung như sau:
1. Không phải tất cả số nhà phao ở Tân Hoá (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là do Nhà chống lũ (NCL) làm. Chỉ có 99 căn do NCL làm với 3 mẫu nhà khác nhau.
NCL bắt đầu khảo sát để phát triển mô hình nhà an toàn cho Tân Hoá vào tháng 4/2014. Tính đến nay, chương trình NCL của chị Hương Giang đã làm 3 mẫu nhà phao khác nhau với tổng số nhà là 99 căn vào các năm 2014, 2016 và 2017.
Sau khi NCL hỗ trợ các hộ dân nơi đây phát triển các mẫu nhà thì người dân đã học hỏi và tự xây dựng cho mình những ngôi nhà phao với sự trợ giúp của chính quyền, doanh nghiệp và các nhóm thiện nguyện. Hiện có khoảng 400 hộ dân xã Tân Hoá có nhà phao.
2. Nhà phao chỉ là 1 trong số 10 mô hình mà NCL đã phát triển trong gần 7 năm qua
Tân Hóa là một vùng ngập lũ ở mức rất sâu. Thời điểm dự án khảo sát lần đầu tiên năm 2014, mức ngập điểm sâu nhất ở xã này lên đến 14m. Do đó, nhóm kỹ thuật của dự án nghiên cứu mô hình NCL mới và tối ưu phương án nhà bè người dân từng tự làm ở địa phương.
Vì vậy, ngoài 9 mô hình nhà xây phù hợp với các địa hình, kiểu lũ, khí hậu, văn hoá như nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà 2 gác, nhà có gác xép tránh lũ, nhà ống có gác lửng, nhà 3 gian có gác lửng... thì NCL đã phát triển mô hình nhà phao cho vùng đất có mức lũ ngập rất sâu này.
3. Tại sao có những ngôi nhà phao tự làm của người dân vẫn bị trôi hoặc chưa thật sự an toàn?
Chị Hương Giang cho hay: Ngay từ đầu, ứng phó mức ngập sâu đã là yêu cầu giải pháp khó khăn. Đầu tiên là phải tính được tải trọng cần thiết tối đa để xem cần bao nhiêu thùng phuy để nhà có thể nổi lên. Căn nhà phao nổi lên theo mực nước lũ cần được neo giữ bởi cọc trượt (cột định hướng) hoặc dây neo.
Cọc trượt sử dụng ống thép hoặc thân cây tre độ cao tối đa chỉ 6-7m, rất dễ hụt cọc khi xảy ra lũ lớn bất thường. Dây neo thì cần không gian rộng để néo và thao tác khá bất tiện.
Sau rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm, hệ thống neo năm điểm dùng bốn sợi cáp đã hình thành. Hệ thống này trượt dây lên xuống mang ưu điểm của cọc trượt và sợi dây cáp dài 25m sẽ tối ưu hóa độ cao nổi nhà cần thiết. Bốn đầu sợi dây được định vị vào trục cuốn có hãm tự động giúp dễ dàng thao tác. Cuối dây được neo chặt vào bốn bệ bê tông đổ chắc vào nền đất cộng thêm bệ bê tông trung tâm làm đối trọng cho nhà phao.
4. Các cải tiến trong mô hình nhà phao của NCL
Thời gian đầu triển khai (năm 2014), dự án chủ yếu mô hình hóa, tính toán tải trọng chịu đựng để phân bố số phao (thùng phuy) nổi cho nhà.
Dần dần sau đó yêu cầu cao hơn về khả năng chịu gió, sóng tác động. Điển hình như khung nhà có sàn hình vuông, độ cao vách vừa phải, độ dốc mái thấp, có hành lang nhỏ xung quanh để giảm sóng.
Với mô hình hoàn thiện lần thứ ba vào năm 2016, hệ thống dây cáp neo năm điểm có trục hãm tự động là yêu cầu bắt buộc, khung nhà có sàn hình vuông, sử dụng bốn mái, cửa lùa, có hành lang xung quanh, có cửa sổ hậu phía sau cánh lùa ngang và khuyến nghị neo phao góc để giảm tác động sóng và tăng độ nổi.
5. Chi phí để làm 1 căn nhà phao để các cá nhân/nhóm thiện nguyện/doanh nghiệp có thể chung tay đóng góp
Trước đây, ngoài số thùng phuy NCL đã xin tài trợ được từ doanh nghiệp Vodka Cá Sấu, thì tổng chi phí còn lại để làm nhà phao là 25-35 triệu. Tuy nhiên, do hiện tại vùng có mức lũ rất sâu như Tân Hoá, các hộ đều có nhà phao rồi, nên hiện tại không cần hỗ trợ làm nhà phao nữa. Cộng đồng có thể đóng góp là chi phí mua bộ dây cáp neo năm điểm có trục hãm tự động.
Hiện chỉ có 99 trên tổng số hơn 400 căn nhà là do NCL làm sử dụng bộ dây neo thường hoặc bộ dây neo năm điểm chắc chắn, đảm bảo an toàn. Số còn lại người dân tự làm dây neo thường hoặc cọc trượt bằng ống thép hoặc tre không đảm bảo an toàn khi có mức lũ lớn và đặc biệt khi có gió bão kết hợp với lũ.
Ngoài ra, chị Hương Giang bày tỏ mong muốn được cộng đồng quan tâm và đóng góp để xây dựng các mô hình nhà an toàn có khả năng chống chịu bão lũ theo 9 mô hình còn lại vì đó là các mô hình nhà an toàn lâu bền, là ngôi nhà duy nhất của các hộ dân nghèo và họ sẽ sử dụng trong vài chục năm. Nhà phao chỉ dùng cho các vùng lũ sâu và là ngôi nhà phụ chỉ phát huy khi có mưa lũ.
6. NCL có kế hoạch giúp cho các hộ còn lại ở Tân Hoá (ngoài 99 hộ NCL đã làm trực tiếp) hoàn thiện hệ thống cáp neo năm điểm có trục hãm tự động không?
NCL sẽ sử dụng số tiền gây quỹ được để xây nhà cho các hộ nghèo ở tỉnh có ảnh hưởng bởi thiên tai. Chị Hương Giang khẳng định sẽ ngay lập tức đi khảo sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của các đợt bão lũ liên tiếp này (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam) để đánh giá, khảo sát nhằm:
- Hỗ trợ xây nhà ở 2 địa bàn mới Quảng Trị và Huế
- Đánh giá và hỗ trợ các bộ cáp neo 5 điểm có trục hãm tự động cho các hộ còn lại ở Tân Hoá (Quảng Bình)
- Tiếp tục triển khai xây nhà an toàn và hoàn thiện các ngôi nhà trong 2 làng Hạnh Phúc ở Bắc Trà My và Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam
Chị Hương Giang cũng cung cấp thêm thông tin trên trang cá nhân rằng, từ ngày 9-19/10, dự án Nhà chống lũ đã nhận được 4,4 tỷ tiền quyên góp, tương đương với 98 căn nhà chống lũ. Riêng trong ngày 19/10, quỹ nhận được 1, 2 tỷ đồng.