7 loại lẩu Trung Quốc phổ biến bậc nhất và dễ chinh phục được người sành ăn
- Timi
- Đăng lúc: Thứ ba, 23/11/2021 23:06 (GMT +7)
Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, có hàng chục cách và phong cách ăn lẩu khác nhau. Đây là một số trong những loại lẩu Trung Quốc phổ biến nhất.
Lẩu là món ăn có lịch sử lâu đời và là kiểu ăn uống phổ biến từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, đã có khoảng 30 loại lẩu khác nhau và ít nhất năm phong cách vùng miền khác nhau. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa các phong cách lẩu ở Trung Quốc là giữa miền Bắc và miền Nam: trong khi miền Bắc tập trung vào thịt hơn, miền Nam tập trung hơn vào gia vị và nước dùng đậm đà.
Mặc dù nó phụ thuộc rất nhiều vào sở thích cá nhân mà người ta chọn ra món lẩu nào là món ngon nhất, nhưng 7 phong cách lẩu dưới đây nói chung là được yêu thích và phổ biến trên khắp Trung Quốc và các nơi khác.
1. Lẩu kiểu Bắc Kinh
Lẩu Bắc Kinh truyền thống là một trong số các loại lẩu nằm trong danh mục "lẩu kiểu phương Bắc". Đặc trưng của loại lẩu này chính là sự đơn giản và nấu bằng kiểu nồi của người Mông Cổ. Thịt cừu thái mỏng là một trong những thành phần quan trọng nhất của món này.
Phong cách lẩu này rất thuần túy và tập trung vào chất lượng của các nguyên liệu - thịt mềm và ngon, các loại rau tươi hơn là nước dùng. Các thành phần thường được nấu trong nước trong hoặc nước dùng có hương vị nhẹ, với một ít hành lá, kỷ tử và gừng.
Hầu như tất cả các nhà hàng lẩu Bắc Kinh truyền thống đều cung cấp nước chấm làm từ vừng Zhīmajiàng, có vị hơi giống nước sốt vừng Tahini (nhưng đậm và ngọt hơn). Ở miền nam Trung Quốc, Zhīmajiàng ít phổ biến hơn.
2. Lẩu Trùng Khánh
Không nghi ngờ gì nữa, Trùng Khánh có thể được gọi là “thủ đô lẩu” của Trung Quốc - người ta nói rằng 5 trong số 6 nhà hàng ở Trùng Khánh là nơi bán lẩu. Theo Hiệp hội Lẩu Trùng Khánh, thành phố có hơn 20.000 nhà hàng lẩu sở hữu 50.000 thương hiệu trên khắp đất nước.
Nước dùng đậm đà hương vị và vị cay “tê tái” là những gì mà món lẩu Trùng Khánh được biết đến nhiều nhất. Nước dùng lẩu sử dụng bơ cao cấp làm nguyên liệu đặc biệt, tạo cho nước dùng một hương vị rất đậm đà kết hợp hoàn hảo với ớt cay đỏ. Trong số rất nhiều nguyên liệu được sử dụng trong món lẩu Trùng Khánh, món lẩu cay này thường được ăn kèm với dạ dày bò tươi. Đối với nước chấm, sốt mè thường được sử dụng để cân bằng gia vị.
>> Xem thêm: Lẩu Trùng Khánh 9 ngăn 48 món đặc sắc ai cũng muốn thử khi đến Trùng Khánh
3. Lẩu Vân Nam
Lẩu Vân Nam đã đặc biệt trở nên phổ biến hơn trên khắp Trung Quốc trong những năm gần đây. Nó vẫn là một món lẩu Trung Quốc, nhưng cũng có những ảnh hưởng rõ ràng của Đông Nam Á. Những người ăn chay cũng sẽ thích kiểu lẩu này: lẩu này không có thịt cũng được vì nước dùng đậm đà và tập trung vào các loại rau tươi và các loại nấm hoặc hoa ăn kèm.
Tươi, thơm và cay là những từ để miêu tả chính xác nhất phong cách lẩu này, ngoài ra còn có rất nhiều loại nước chấm khác nhau được pha với dầu mè và ớt.
4. Lẩu gà dừa
Các nhà hàng lẩu tập trung vào lẩu dừa đã trở nên đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Ý tưởng rất đơn giản: Lẩu gà dừa cần nguyên liệu chính là gà Hải Nam và nước cốt dừa tươi. Vì nước dùng không có bơ hoặc dầu béo nên đây có lẽ là một trong những lựa chọn lẩu tốt cho sức khỏe. Lẩu gà dừa sử dụng kèm một chút nước tương và nước cốt chanh.
5. Lẩu cá chua cay
Trong khi phong cách lẩu miền Bắc tập trung vào thịt (thịt cừu), có nhiều loại lẩu kiểu miền Nam dựa nhiều hơn vào cá và các loại hải sản khác nhau, đặc biệt là phong cách lẩu Quảng Đông và Tứ Xuyên.
Món lẩu này là một phong cách lẩu Tứ Xuyên dựa trên món “Canh chua cá” phổ biến của Quý Châu, với nguyên liệu chính là cà chua và dẫm bỗng. Dĩ nhiên món lẩu cá này rất cay nên nếu không ăn được cay, bạn nên nghĩ kĩ trước khi thử.
6. Lẩu kiểu Tây Tạng
Lẩu hương vị Tây Tạng là một loại lẩu nhẹ, có đặc điểm là sử dụng xương của bò yak để làm nước dùng và thịt bò yak để ăn kèm. Món lẩu này ăn kèm với nhiều loại đậu phụ và các loại rau khác nhau như cà rốt, bông cải xanh, v.v. Nước chấm chua cay của Tây Tạng thường đi kèm với món lẩu này. Điểm đặc biệt của món lẩu Tây Tạng là có những viên thịt ngon ngọt để nhúng lẩu. Ngoài ra thịt bò yak ăn kèm lẩu cũng là thịt cắt miếng lớn thay vì thái mỏng như các món lẩu khác thường thấy.
7. Lẩu hoa cúc
“Lẩu hoa” là một loại lẩu đặc biệt có nguồn gốc từ ẩm thực Giang Tô - Chiết Giang và nổi tiếng ở Hàng Châu và Tô Châu. Nó thường được làm với nước dùng gà và các nguyên liệu lẩu được nấu cùng với cánh hoa cúc, mang lại hương vị mềm và thơm. Lẩu hoa cúc thường được ăn kèm với cá phi lê, thịt lát mỏng và các loại rau theo mùa. Lẩu hoa cúc là món ăn được Từ Hi Thái hậu rất ưa chuộng.