Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh: Giàu vì vợ, sang vì con gái
- Bảo Nam
- Đăng lúc: Thứ tư, 28/10/2020 20:51 (GMT +7)
Ông Trần Quý Thanh và vợ xây dựng nên đế chế đồ uống từ một nhà máy nhỏ, nhưng để tập đoàn vươn tầm thế giới thì cần đến tài năng của hai cô con gái.
Thuận vợ thuận chồng không lo "tiền nhiều để làm gì?"
Năm 2019, Tân Hiệp Phát tổ chức lễ kỉ niệm 25 năm thành lập tập đoàn và 40 năm ngày cưới của "Dr Thanh" và bà Phạm Thị Nụ.
Giới kinh doanh Việt Nam vẫn truyền miệng nhau câu chuyện không chính thức rằng, nếu nói về tiền mặt trong két, 2 người đàn ông lắm tiền nhất Việt Nam là Đặng Lê Nguyên Vũ cafe và ông Trần Quý Thanh nước giải khát. Nhưng nếu như “Qua” phải ra đứng trước tòa li hôn vợ và than thở “tiền nhiều để làm gì” thì ông “Dr Thanh” lại giữ gìn trọn vẹn được hạnh phúc gia đình. Câu chuyện về Tân Hiệp Phát giờ đây không còn là câu chuyện về sự thành công của một cá nhân, mà là tiêu biểu cho quá trình gây dựng và phát triển kinh doanh của một tập đoàn gia đình Việt.
Ông Thanh vốn là 1 kĩ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Khi yêu và cưới bà Nụ 40 năm trước, ông bà cũng không khác gì bao con người của thời ấy: khó khăn và thiếu thốn. Bắt đầu bằng việc buôn đường cát, bán nguyên liệu cho những ông lớn nước giải khát thời những năm 1979-1980, đến năm 1994, vợ chồng ông mua được một dây chuyền sản xuất nước giải khát cũ nát. Tài năng, ý chí, sự kiên định của người chồng cộng với sự chịu khó, yêu thương, hy sinh hết lòng cho gia đình của người vợ, gia đình "Dr Thanh" gây dựng được nhà máy nước giải khát Bến Thành, tiền đề cho tập đoàn Tân Hiệp Phát về sau.
Người ta nói sau thành công của người đàn ông luôn là bóng dáng người vợ, nhưng người đàn ông cũng cần phải chứng minh được rằng mình đủ phẩm chất để xứng đáng với sự hi sinh ấy. 40 năm bên nhau, ông bà Trần Qúi Thanh có gia sản lớn, và có 3 người con bao gồm con gái lớn Trần Uyên Phương, con gái thứ 2 Trần Ngọc Bích và người con trai út Trần Quốc Dũng.
Tập 1 câu chuyện thành công của ông Trần Qúi Thanh cũng tương tự giống những doanh nhân, tỉ phú khác tại Việt Nam, tức từ khó khăn đi lên, năng động, đột phá đúng thời điểm nền kinh tế mở cửa, hội nhập. Nhưng để Tân Hiệp Phát ngày càng vươn lên thành tập đoàn vững mạnh, ông Thanh có sự trợ giúp đắc lực của những người con, trong đó có con gái cả Trần Uyên Phương.
"Ở đời phải có cô con gái"
Trong những câu chuyện kể lại, Trần Uyên Phương nói rằng cô có ông bố rất nghiêm khắc, không nuông chiều con và nếu hư là bị ăn đòn. “Tôi đã từng rất sợ ba ngày tôi còn nhỏ. Ông ấy không bỏ qua bất kỳ lỗi lầm nào dù là nhỏ nhất và thậm chí đã từng cho tôi ăn đòn nhớ đời. Một lần, em gái tôi bị ba cho ăn đòn vì nhảy lên chơi đùa trên nóc xe của nhân viên Tân Hiệp Phát. Ba tôi làm vậy vì muốn chúng tôi hiểu được rằng, cần phải trân trọng mọi nhân viên, hiểu rằng họ là những người đã lao động vất vả để chúng tôi có cơm ăn hàng ngày. Ba không cho phép chúng tôi coi mình là “trung tâm vũ trụ”, mà phải học cách “Tôn trọng người khác trước khi mong người ta tôn trọng mình”.
Từng là con nhà giàu nhưng sau khi mẹ mất, ông Thanh phải vào cô nhi viện sống, phải tự lập chiến đấu để tồn tại. Do đó, yêu thương nhưng không bao bọc, không để con sống trong nhung lụa là cách ông Thanh giáo dục con. Khi con cái bắt đầu trưởng thành, ông dạy các con về sự hợp tác, tôn trọng, “win – win” trong công việc, chấp nhận thử thách và không sợ thất bại.
Câu chuyện về lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD của Coca-Cola để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn luôn được nhắc lại. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, ông Thanh đã từ chối. Người ta hiểu rằng phía sau quyết định đó là một tinh thần Việt Nam. Ông Thanh muốn giữ lại những gì mình gây dựng, muốn để lại di sản cho con cái mình tiếp tục phát triển mà muốn có một thương hiệu Việt của người Việt.
Cho đến thời điểm này, nếu xét trên giấy tờ, ông Thanh không có nhiều cổ phần ở Tân Hiệp Phát. Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, sở hữu 54,4% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.
Tân Hiệp Phát cơ bản không huy động cổ phần từ bên ngoài, không niêm yết huy động vốn trên các sàn chứng khoán. Tân Hiệp Phát hoạt động theo mô hình công ty gia đình với sở hữu 100% là các thành viên trong gia đình, tức cứ tiền mặt và đất đai là sở hữu của vợ con ông. Giữ nguyên cơ cấu sản phẩm chính là nước giải khát, với 4 nhà máy lớn, xuất khẩu đi 20 nước, ước tính mỗi năm gia đình ông Thanh thu về gần tròn tỷ đô. Nếu như trước kia, trà thảo mộc Dr Thanh, C2, trà xanh 0 độ và Number One là những sản phẩm chính bán để thu tiền về của Tân Hiệp Phát, thì giờ đây danh mục sản phẩm được mở rộng. Hai con gái của ông Trần Quý Thanh tấn công vào thị trường đồ uống có lợi cho sức khỏe, bắt "trend" trào lưu sống xanh mà thế giới đang theo đuổi.
Hiện tại, cô chị Trần Uyên Phương đảm nhận phát triển thị trường, đối ngoại, mở rộng xuất khẩu, cô em Trần Ngọc Bích lo quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cả hai con gái của ông Thanh đều là những nữ doanh nhân kiểu 4.0, học hành bài bản ở nước ngoài, tư duy cởi mở, đầu tư cho nhận diện thương hiệu và truyền thông, chú trọng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Trong cuốn tự truyện của ông Trần Quý Thanh do chính con gái chấp bút, sự nghiệp của "Dr Thanh" là một chuỗi những sóng gió, thất bại, điều tiếng, thị phi. Từ ngày đầu khởi nghiệp sai hướng khi sản xuất bia khiến hai vợ chồng điêu đứng một thời gian dài trước khi tìm được lối thoát hiểm với nước giải khát đến sự cố pháp lý với vụ cho Phạm Công Danh hay khủng hoảng truyền thông lớn “nước ngọt có ruồi”, nhưng vượt qua tất cả, Tân Hiệp Phát vẫn là thương hiệu Việt hàng đầu trong thị phần nước giải khát nội địa.
Hiện tại, với sự trợ giúp của 2 cô con gái Uyên Phương và Ngọc Bích, có thể yên tâm thảnh thơi ngày ngày đọc sách và làm thơ tình tặng vợ, người vợ thanh mai trúc mã khi xưa lúc bụng mang dạ chửa vẫn một thân một mình phóng xe máy đi phân phối hàng cho chồng.