Philippines: Bé gái 13 tuổi bị ép lấy người đàn ông 48 đã kết hôn 4 lần

Trước khi cưới thiếu nữ 13 tuổi, Abdukrzak 48 tuổi đã kết hôn 4 lần. Hầu hết con riêng của chú rể đều xấp xỉ tuổi cô dâu.

Theo Daily Mirror, bé gái Asnaira Pamansag Mugaling (13 tuổi) đã bị ép buộc kết hôn với nông dân tên Abdukrzak Ampatuan đáng tuổi cha cô tại thị trấn Mamasapano, tỉnh Maguindanao, Philippines.

Được biết, đám cưới được diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Ngay lập tức, những hình ảnh về đám cưới được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người kinh ngạc trước cuộc hôn nhân quá "khập khiễng" này.

Trước khi cưới thiếu nữ 13 tuổi, Abdukrzak (48 tuổi) đã kết hôn 4 lần. Đáng nói là hầu hết con riêng của ông ta đều xấp xỉ tuổi vợ mới cưới của mình.

Abdukrzak nói rằng mình anh không hối hận khi kết hôn với một thiếu nữ và dự định có con cùng vợ mới khi cô tròn 20 tuổi. "Tôi rất vui khi gặp và có thể dành phần đời còn lại của mình bên cô ấy", người đàn ông nói.

Sau đám cưới khoảng 3 tuần, Abdulrzak đã xây một ngôi nhà nhỏ để sống cùng vợ mới. Người chồng tiếp tục làm nông còn thiếu nữ 13 tuổi làm việc nhà và trông nom con riêng của chồng.

Người chồng cũng chia sẻ trong lúc chờ đợi Asnaira sẵn sàng sinh con, Abdukrzak hứa sẽ để thiếu nữ hoàn thành việc học vì muốn vợ mình có trình độ.

Sự vụ gây nên một làn sóng phẫn nộ tại Philippines khi nhiều vùng tại quốc gia này vẫn để các bé gái vị thành niên bị ép kết hôn.

Theo thống kê dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy quốc gia này có số lượng cô dâu trẻ em cao thứ 12 trên thế giới với 726.000 trường hợp tảo hôn.

Cụ thể, 15% trẻ em gái kết hôn trước sinh nhật 18 tuổi và 2% kết hôn trước khi bước sang tuổi 15. Đặc biệt, các bé gái còn dễ bị tổn thương hơn khi Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép ly hôn.

Báo cáo về nạn tảo hôn của UNICEF vào năm 2016 cũng đưa ra khẳng định tảo hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, bao gồm quyền đi học, quyền sức khỏe, quyền có thu nhập trong tương lai và quyền được đảm bảo an toàn.

Tảo hôn là sự cảnh báo của cái chết trong im lặng vì nó gắn liền với tỷ lệ chết sau sinh cao ở cả trẻ và mẹ.

Với thực trạng trên, Chính phủ Philippines cam kết loại trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cưỡng ép vào năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bài liên quan

News feed