Salo, món mỡ muối nhìn thì ngấy nhưng là đặc sản ngon nức tiếng của Nga, Ukraine
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ hai, 23/05/2022 10:54 (GMT +7)
Dù chỉ là món mỡ động vật muối, thế nhưng Salo là một trong những đặc sản của nhiều nước Bắc Âu, trong đó phổ biến nhất là Nga, Ukraine.
Mỡ động vật là một thực phẩm chứa nhiều chất béo và có khả năng tạo cholesterol trong máu. Nếu sử dụng quá nhiều trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, mất cân bằng dinh dưỡng và nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn nội tiết tố, máu nhiễu mỡ, tăng khả năng mắc bệnh nhồi máu cơ tim… Thế nhưng ở Nga, món mỡ muối Salo lại là món ăn truyền thống mà nhiều người yêu thích.
Theo nhiều nghiên cứu sử học, món Salo từng xuất hiện trong một vài tư liệu từ thời La Mã cổ đại. Dù không có quá nhiều thông tin về nguồn gốc món này, thế nhưng Salo vẫn được chế biến và sử dụng phổ biến đến ngày nay. Trên thực tế, Salo được người Slavic - nhóm dân tộc học lớn nhất Châu Âu trong đó chủ yếu sinh sống ở Trung và Đông Âu. Do dó Salo có ở rất nhiều quốc gia Nga, Ukraina, Ba Lan, Hungary, Séc, Litva, Bulgari với những cái tên khác nhau.
Salo có thể được làm từ nhiều loại mỡ động vật như lợn, bò, dê, cừu… Để có nguyên liệu làm món này, người ta sẽ dành ra một năm để vỗ béo động vật cho đến khi tích trữ được một lớp mỡ giàu dinh dưỡng. Hiện nay, do lợn là động vật dễ nuôi, mỡ lại cứng và nhẹ hơn nên người ta thường sử dụng mỡ lợn làm nguyên liệu làm Salo. Vì vậy nên khi nhắc đến Salo, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món mỡ lợn muối.
Đầu tiên, khi làm Salo, người đầu bếp sẽ sử dụng phần mỡ ở lưng lợn và cắt thành những miếng có kích cỡ vừa phải, thông thường sẽ là 15*20cm. Tùy sở thích mà phần mỡ này có thể là mỡ hoàn toàn hay có dắt thêm 1 chút thịt nạc.
Sau đó, phần mỡ lợn có hoặc không có da này sẽ được mang đi ướp muối hoặc ngâm nước muối rồi để lên men. Quá trình lên men của Salo khá kỳ công, người ta sẽ để mỡ đã ngâm hoặc ủ muối vào những căn phòng tối khô lạnh và trong vài tháng.
Sau đó phần mỡ này có thể được đem xông khói. Cũng có nhiều phiên bản làm Salo bằng cách ướp cùng nhiều loại thảo mộc, bột ớt cay... Riêng ở Nga hay Ukraine, người ta sẽ làm salut bằng muối, tiêu, tỏi. Qua nhiều bước chế biến, Salo thành phẩm se lại, đậm vị, khi ăn tuy béo mà không ngán.
Món Salo có thể được ăn trực tiếp bằng cách thái thành những lát dày vừa phải ăn kèm bánh mì, dưa chuột muối… Nhiều người cũng chế biến Salo bằng nhiều cách như rán cùng tỏi rồi nấu súp củ dền hoặc luộc lên rồi mang cắt nhỏ để làm nhân xúc xích... Đặc biệt, Salo còn được thưởng thức cùng rượu vì đây là một “phương thuốc” chống say rượu hiệu quả. Mặc dù nhìn có vẻ ngấy nhưng Salo lại có mùi thơm và vị béo vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên Salo là một món ăn sử dụng lượng muối khá lớn để chế biến và rất béo nên theo các chuyên gia, người trưởng thành chỉ nên ăn 10 đến 12 gram Salo mỗi ngày (tối đa 50 gram/ 1 ngày và 100-150 gram/ 1 tuần) để không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Dù vậy thì với nhiều vitamin A, E, D hay axit arachidonic… chứa trong Salo, món ăn này cũng giúp cải thiện chức năng não và tim của bạn.