Sắp mấy bát mấy đũa lên bàn thờ để cúng mới đúng?
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ tư, 26/01/2022 14:38 (GMT +7)
Người ta quan niệm, sống ăn như thế nào thì người chết cũng sẽ như vậy. Chính vì vậy, bên cạnh việc bày biện mâm cúng hoành tráng thì cần phải có chén và đũa.
Theo phong thủy cũng như tục lệ từ xa xưa của người Việt, những vật phẩm trong mâm cỗ để dâng lên gia tiên, thần phật thật sự rất quan trọng. Vì đây chính là cách để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ đến công ơn sinh, giáo dưỡng của gia tiên. Trong đồ lễ để dâng lên đó ngoài những bó hoa, mâm trái cây thì những mâm cơm cúng cũng được hết sức chú trọng.
Người Việt từ xưa đã quan niệm, sống thế nào thì chết thế đó và việc ăn uống cũng vậy. Do đó trong mâm cúng luôn cần có chén và đũa thờ để người đã khuất dùng bữa. Theo các chuyên gia phong thủy thì vấn đề này thật sự rất quan trọng, mà ai cũng nên lưu tâm.
>>> Xem thêm: Loại hoa tuyệt đối không dâng lên ban thờ để thắp hương
Vậy khi cúng cơm thì trên bàn thờ cần mấy đôi đũa mấy cái bát mới đúng?
Theo các chuyên gia phong thủy, số lượng bát đũa trên bàn thờ phụ thuộc vào vị trí của người đàn ông trong gia đình. Nếu là trưởng tộc, bàn thờ cần sắp 9 cái bát xếp chồng lên nhau, và bên cạnh là 9 đôi đũa. Nếu không phải con trưởng thì chỉ cần 5 bát - 5 đôi đũa. Con số 5 tượng trưng cho ngũ hành, đồng thời cũng mang ý nghĩa ngũ đại đồng đường.
Lưu ý là bát đũa thờ không nên dùng chung với bát đũa ăn. Do đó gia chủ nên chuẩn bị 1 bộ bát đũa thờ riêng. Khi không sử dụng, bát đũa thờ nên được cất gọn trong tủ thờ.
Khi sắp mâm cúng, gia chủ nên bỏ chồng bát thờ xuống và so ra mâm. Cúng xong lại lau bát đũa và xếp chồng lại như cũ.
Về mâm cỗ, sẽ tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, nhưng tựu chung mâm cỗ ngày tết sẽ có đầy đủ 4 món cơ bản chính đó là: bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ.
Lưu ý: Bàn thờ của người Việt nên để theo hướng chính và ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, trong đó có những người sẽ đặt theo hướng hợp với cung mệnh của chủ nhà.
Bên cạnh đó, bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh, do đó ở nhiều gia đình khi dâng cúng cỗ mặn thường sẽ đặt ở một chiếc bàn phụ thấp hơn và phía trước bàn thờ chính.
Thờ cúng tổ tiên không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của người Việt mà còn là dịp để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thần phật cũng như là dịp để cầu mong những bậc bề trên phù hộ cho gia đình 1 năm mới an khang, hạnh phúc. Vì thế khi thờ cúng dù mâm cỗ hoành tráng hay không cái chính là bạn cần thể hiện bằng cả tấm lòng thành để gia tiên và các bậc thánh thần bề trên thấu được.