Thêm một bộ SGK Tiếng Việt 1 bị tố "có vấn đề"
- An Diệp Phi
- Đăng lúc: Thứ tư, 25/11/2020 14:47 (GMT +7)
Sau bộ sách Cánh Diều, SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” lại bị chỉ ra nhiều sai sót.
Câu chuyện về bộ SGK Cánh Diều còn chưa ngã ngũ thì mới đây, trên mạng xã hội, một bộ SGK Tiếng Việt 1 khác là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại trở thành tâm điểm để tìm kiếm các sai sót.
Theo đó, nhiều tài khoản mạng xã hội đã dẫn chứng hàng loạt ví dụ trong bộ sách với quan điểm cho rằng nhóm biên soạn đã đưa vào nhiều ngữ liệu khó hiểu, không phù hợp với tư duy con trẻ, có từ ngữ dễ gây suy diễn, hiểu nhầm.
Cụ thể, trên báo Dân trí trích dẫn rất nhiều chi tiết mà các bậc cha mẹ và độc giả quan tâm phản ánh. Ví dụ như một bài giải đáp câu đố:
“Con gì tên rõ là “cha”
Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa
Con gì quen vẻ già nua
Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ”.
Đây là câu đố về con ba ba (“Con gì tên rõ là “cha”)- nhưng với câu đố mang tính “chơi chữ” thế này các em lớp 1 chưa có nhiều vốn kiến thức sẽ khó mà suy luận. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng: dùng từ “con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố) dễ gây hiểu nhầm, trẻ có thể suy diễn, liên tưởng đến những con vật xấu xí khác rồi nói đó là cha, mẹ.
Ở câu thứ hai, tác giả viết: “Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa”. Câu này rất khó hiểu, lẫn lộn Toán- Văn trong cùng một câu khi tác giả kết hợp giữa toán (có chứa chữ số- ý nói đó là số 3), sau lại gắn với hình ảnh giả định “nhìn qua ngỡ rùa”- vì con ba ba giống con rùa. Bên cạnh những câu đố mang tính gợi mở suy nghĩ và phát triển tư duy cho trẻ lớp 1 các nhà giáo dục cần có thêm hình ảnh để minh họa, cách diễn đạt làm sao cho dễ hiểu, đạt hiệu quả với các em.
Tương tự, với câu đố: “Ai ai cũng có / Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu / Nhớ mang theo nhé (Là gì?)”- Thực ra đây là phần trích trong bài thơ “Lời chào đi trước” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nhưng với đoạn trích này các em dễ hiểu nhầm là câu đố về cái cặp hoặc cái ba lô, những vật dụng gắn liền với mỗi em thường ngày tới trường. Thậm chí, thoáng đọc, nếu không tìm hiểu, nhiều người lớn cũng không phát hiện ra đây là câu đố về… Lời chào với nhắn nhủ mỗi em bé hãy ngoan ngoãn, luôn mang tiếng chào theo bên mình.
Ở trang 115, bài đọc “Cuộc thi tài năng rừng xanh” đưa ra hàng loạt từ ngữ khó như: “ngoao ngoao”, “chuếnh choáng”, “niêm yết”… Nếu có thể, nên chọn những bài viết đơn giản hoặc những bài có từ ngữ sát với kiến thức lớp một, không nên đưa những từ cần phải chú thích nhiều.
Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia ở Viện Ngôn ngữ cho biết, thoạt nhìn đã thấy một số ngữ liệu của sách này có “nhiều vấn đề”. Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn trọng toàn bộ cuốn sách mới có thể phát biểu được.
Một điểm nữa cũng được độc giả đặt ra trên mạng xã hội, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam có rất nhiều truyện, bài tập đọc, kể chuyện được chuyển thể, phóng tác, phái sinh từ các tác phẩm, truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng lại không thấy ghi tên tác giả, hay nguồn gốc tác phẩm.
Ví dụ, chuyện “Rùa và Thỏ” trong tập ngụ ngôn nổi tiếng Aesop được phóng tác lấy tiêu đề là "Thỏ và rùa" (trang 83) nhưng không ghi nguồn. “Chó sói và cừu non” là truyện ngụ ngôn nổi tiếng của La Fontaine, nhưng tại trang 63, tiếng Việt tập 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, khi các tác giả dựa vào nội dung câu chuyện để chuyển thể sang tranh vẽ và yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện, lại không hề ghi hay chú thích tên tác giả. Một số câu truyện khác như: “Con quạ thông minh” (trang 43), “Cô chủ không biết quý tình bạn” (trang 53), “Hai người bạn và con gấu”… cũng trong tình trạng tương tự, không ghi tên tác giả.
Hiện phía Bộ GD-ĐT cũng như nhóm biên soạn SGK Kết nối tri thức với cộng đồng chưa lên tiếng về những phản ánh nói trên.