Tại sao người Anh lại nói "Đổ mồ hôi như lợn"?
- Dung Hạnh
- Đăng lúc: Thứ hai, 13/06/2022 21:49 (GMT +7)
Thành ngữ tiếng Anh có câu "Sweat like a pig", nghĩa là "Đổ mồ hôi như lợn". Nhưng bạn đã nhìn thấy lợn đổ mồ hôi bao giờ chưa?
Cụm từ "đổ mồ hôi như lợn" hiểu theo nghĩa đen là hình ảnh của giọt mồ hôi chảy xuống ở da lợn vào một ngày nắng nóng oi ả, nhưng nó là một trong những thành ngữ rất dễ gây hiểu lầm trong tiếng Anh. Lợn chỉ có một số tuyến mồ hôi hoạt động nên chúng chỉ tiết ra một ít mồ hôi và không ảnh hưởng nhiều đến nhiệt độ cơ thể của chúng. Vậy làm cách nào để lợn tự hạ nhiệt?
Lợn là loài động vật nội nhiệt hay còn gọi là máu nóng, có nghĩa là chúng duy trì thân nhiệt ổn định, bất kể nhiệt độ của môi trường xung quanh thay đổi. Hầu hết các trường hợp, thân nhiệt của động vật nội nhiệt đều ấm hơn nhiệt độ của môi trường. Ngược lại, động vật máu lạnh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiệt bên ngoài nên thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường.
Có hai cách mà động vật điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng: trao đổi chất và hành vi. Sự khác biệt giữa hai kiểu là một bên diễn ra nhanh chóng và một bên mất nhiều thời gian hơn.
Trong trường hợp điều chỉnh nhiệt độ bằng trao đổi chất, một loại hormone do tuyến giáp tiết ra gọi là thyroxine sẽ giúp kiểm soát sự trao đổi chất cơ bản của lợn, biến calo từ thức ăn thành năng lượng. Một bài báo năm 2006 được xuất bản trên tạp chí Physiological Reviews đã chỉ ra rằng khi lợn tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh liên tục trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, các chu trình này có thể làm thyroxine tăng hoặc hạ nhiệt cơ thể.
Ngược lại, điều hòa nhiệt độ theo hành vi rút ngắn thời gian hơn nhiều. Giáo sư Tucker chia sẻ với Live Science rằng: khi thời tiết nóng bức, lợn ngâm mình trong nước hoặc bùn. Những hành vi này điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của lợn giống như cách đổ mồ hôi của con người. Khi nhiệt độ từ nước hoặc bùn bốc hơi, nó sẽ làm nhiệt độ bên trong con vật dịu đi. Lợn cũng có thể kiếm những khu vực có bóng râm hoặc "dẫn nhiệt ra khỏi cơ thể bằng cách nằm thẳng trên một bề mặt mát". Một điều thú vị nữa, lợn cũng thở hổn hển để hạ nhiệt. Điều này làm tăng lưu lượng không khí và sự bốc hơi nước từ phổi, giúp giải phóng thêm nhiệt từ cơ thể chúng.
Tuy nhiên, lợn sống ở những vùng ôn đới trên thế giới sẽ dành nhiều năng lượng hơn cho việc giữ ấm hơn là giữ mát. Trong thời tiết lạnh giá, lợn quây quần bên nhau để sưởi ấm, xây tổ hoặc run rẩy - một hành vi thường thấy ở lợn con chỉ vài giờ sau khi chúng được sinh ra.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn, lợn tiêu thụ ít thức ăn lại. Đây là một phương pháp khác để hạ nhiệt, vì tiêu hóa ít thức ăn hơn sẽ làm giảm lượng nhiệt sinh ra trong quá trình kiếm ăn và tiêu hóa. Kích thước cơ thể lợn thực sự là một yếu tố quan trọng đối với sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng.
Rối loạn nhiệt có thể làm giảm chất lượng tinh trùng ở lợn đực, lợn con đẻ ra nhỏ hơn và không có khả năng thụ thai ở lợn nái (theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Veterinaria Scandinavica). Tiếp xúc với nhiệt độ nóng lâu hơn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của lợn và ở mức độ cao hơn, lợn có thể bị sốc nhiệt dẫn đến trụy tim mạch. Huyết áp của lợn giảm xuống, dẫn đến bất tỉnh và thậm chí tử vong.
Giáo sư Tucker cho biết: “Thịt lợn là loại thịt được ăn nhiều thứ hai trên toàn cầu sau thịt gà. Người chăn nuôi đến lúc nên quan tâm đến rối loạn nhiệt độ, không chỉ vì giá trị đàn gia súc của họ mà còn là vấn đề phúc lợi động vật.
Như vậy rõ ràng lợn rất ít hoặc gần như không đổ mồ hôi. Vậy cụm từ "đổ mồ hôi như lợn" bắt nguồn từ đâu? Cụm từ này bắt nguồn từ quá trình nung chảy sắt. Theo báo cáo của Văn phòng Khoa học và Xã hội McGill, sắt nóng được đổ lên cát nguội đi và đông đặc lại thành các mảnh tương tự như con lợn nái và lợn con. "Lợn" ở đây được hiểu là "gang thỏi", phần bề mặt đã nguội đi, hơi ẩm đọng lại trên bề mặt.