Lạc đà sinh sống ở những nơi khô cằn nhất, nóng nhất và cằn cỗi nhất trên Trái đất. Vậy bằng cách nào mà chúng kiếm đủ thức ăn? Cùng với đó, câu hỏi được quan tâm hơn cả là chúng ăn gì ở những nơi dường như không có sự sống ấy?
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, cả ba loài lạc đà - Camelus dromedarius, Camelus bactrianus và Camelus ferus - đều đã tiến hóa để thích nghi trong môi trường sa mạc. Ngoài một hoặc hai chiếc bướu trên lưng chứa đầy chất béo, chúng còn có đôi môi đặc biệt, chuyên để tìm kiếm thức ăn trên sa mạc.
Môi trên của chúng chẻ đôi, với mỗi nửa di chuyển riêng biệt giúp nó gặm cỏ ngắn ở gần mặt đất. Đây là điều bắt buộc ở sa mạc - nơi mọi thứ đều phát triển chậm (theo Sở thú San Diego).
Môi của chúng cũng có da và dày nhưng vẫn mềm dẻo, điều đó có nghĩa là lạc đà có thể bẻ ra và ăn cả thực vật có gai hay cây bụi mặn. Bên trong khoang miệng của chúng có các nhú gai ngăn cho gai nhọn từ các loại cây chọc vào, từ đó giúp lạc đà nhai và nuốt thức ăn dễ dàng.
Báo cáo của vườn thú Oakland cho biết lạc đà Dromedary - loài có một bướu, chủ yếu ăn "cây có gai, cỏ khô và cây bụi mặn". Nhìn chung theo Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego, những con lạc đà này ăn cỏ, lá và cành từ bất kỳ loài thực vật nào trên sa mạc, cùng với đó là chồi xanh của cây bụi saxaul trong chi Haloxylon. Ngoài ra, chúng ăn thân và lá từ các loại cây bụi vùng sa mạc khác nhau trong các chi Salsola, Ephedra và Zygophyllum.
Đối với lạc đà Bactrian (C. bactrianus và C. ferus), chúng sống ở Mông Cổ và ăn các loại cây như Caragana, Haloxylon, Reaumuria và Salsola mọc ở đó. Vậy điều gì sẽ xảy ra một khi chúng nuốt những thức ăn đó?
Lạc đà có ba đến bốn ngăn trong dạ dày. Thức ăn bị nghiền một phần trong hai ngăn đầu tiên trước khi bị trào ngược ra ngoài để nhai lại. Khi lạc đà nuốt lần thứ hai, thức ăn đi vào một hay hai ngăn dạ dày còn lại và tiêu hóa nhờ những vi khuẩn bên trong.
Và khi không có thức ăn, đừng lo lắng, vì lạc đà có thể tồn tại hơn một tuần mà không có nước và hàng tháng không có thức ăn.
Bình luận