Thường xuyên cắn môi có thể là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm
- Thục Quyên
- Đăng lúc: Thứ ba, 03/11/2020 17:02 (GMT +7)
Một số người thường có thói quen cắn môi, bóc xé da đến chảy máu, hành vi này là dấu hiệu đang mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tình trạng cắn và bóc xé da môi dường như thường xảy ra ở nhiều người mỗi khi rảnh rỗi hoặc bị áp lực, khó chịu trong người. Thói quen này nếu lặp đi lặp lại sẽ khiến lớp da bị tróc gây nên đau đớn, không thể ăn uống như bình thường.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, việc cắn môi những tưởng chỉ là hành động bình thường, song thực tế nếu lặp lại thường xuyên sẽ là biểu hiện của một số bệnh rối loạn về tâm lý.
Theo bác sĩ, những người có thói quen cắn môi hoặc những hành động gây tổn hại đến cơ thể như giật tóc, nhai lưỡi, cào gãi có thể mắc chứng Body Focused Repetitive Behavior (BFRB), bệnh lý thiên về rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn khác.
Độ tuổi được xác định thường mắc bệnh này là nhóm thanh thiếu niên từ 11-15 tuổi, trong đó nữ nhiều hơn nam. Hành động cắn môi thường xảy ra khi trong người có cảm giác lo lắng và căng thẳng, một phần vì tính cách, môi trường, chấn thương hoặc các vấn đề tâm lý khác gây ảnh hưởng. Những người này sẽ không thể ngừng cắn môi bởi họ cho rằng làm như thế thì bản thân sẽ được xoa dịu. Sau một thời gian, những vết cắn bị tổn thương sẽ dễ gây ra vết loét và sưng tấy, lớp niêm mạc bên trong miệng dần gồ ghề, càng khiến người bệnh muốn nhai nhiều hơn.
Việc cắn môi mất kiểm soát sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau khổ và gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác của họ, chưa kể sẽ gây ra nhiều hành động vô ý gây tổn hại cơ thể.
Theo chuyên gia, cứ 20 người thì có một người có mắc hội chứng BFRB, nhưng để khiến họ bỏ thói quen này là chuyện không dễ dàng. Bác sĩ cho rằng để điều trị, việc đầu tiên, người bệnh phải nhận thức được hành vi của mình, sau đó, ghi chú lại những những cảm xúc dẫn đến cắn môi vào nhật ký.
Hiện nay các bác sĩ vận dụng một số cách điều trị đối với các bệnh nhân cắn môi tùy theo mức độ như tư vấn, liệu pháp nhận thức hành vi, trò chuyện, kỹ thuật thư giãn, thôi miên, châm cứu, thuốc an thần theo toa, hành vi thay thế… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục, tập thở, thay đổi lối sống lành mạnh.