Trà chiều - nét văn hóa ẩm thực tinh tế của người Anh
- Bun Bun
- Đăng lúc: Thứ ba, 09/03/2021 14:26 (GMT +7)
Qua nhiều thế kỷ, người Anhvẫn dành tình yêu đặc biệt cho trà chiều. Trà chiều Anh không chỉ là được ưa thích ở Anh mà còn được thế giới đón nhận nồng nhiệt.
Truyền thống uống trà chiều là một nét văn hóa đặc sắc ở xứ sở sương mù. Thật vậy, qua nhiều thế kỷ, người Anh đã trở nên yêu thích truyền thống này đến nỗi nó đã thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ và là ngôi sao của một nghi lễ xã hội có từ thế kỷ XIX.
Cả ở London và các thành phố khác của Anh, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều nơi để có thể trải nghiệm nghi thức trà chiều lúc 5 giờ một cách chuẩn chỉnh theo đúng kiểu Anh. Vậy phong tục trà chiều Anh bắt đầu như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.
Truyền thống uống trà chiều của người Anh
Trong các thời điểm lịch sử, giờ ăn không phải lúc nào cũng giống nhau. Ví dụ, vào nửa đầu thế kỷ 19, ở Anh, hai bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là bữa sáng và bữa tối, được phục vụ vào khoảng 8 giờ tối. Truyền thống uống trà chiều được cho là hình thànhtrong bối cảnh này.
Trên thực tế, câu chuyện kể rằng Vào năm 1840, nữ công tước thứ bảy của Bedford, Anna là người đầu tiên lần đầu tiên có ý tưởng về buổi trà chiều nhằm xua đi sự mệt mỏi và uể oải vào khoảng thời gian này trong ngày. Bà đã yêu cầu những người hầu chuẩn bị một ít trà và thứ gì đó ngọt ngào để thưởng thức cùng với trà. Sau đó bà đã lên ý tưởng cho các buổi trà đến nỗi nghi thức uống trà lúc 5 giờ chiều này sớm được mở rộng cho các vị khách khi tới chơi nhà.
Ban đầu tiệc trà kiểu Anh chủ yếu vẫn là một sự kiện riêng tư, mà các quý bà thuộc tầng lớp thượng lưu mời bạn bè và người quen của họ. Nhưng khi Nữ hoàng Victoria cũng bắt đầu tổ chức các buổi trà chiều của riêng mình thì đây đã trở thành sự kiện thực sự trang trọng, được gọi là tiệc trà. Tiệc trà thường là những cuộc hẹn vào khoảng 4 giờ chiều tới 7 giờ tối. Quy mô trà chiều có thể lên tới tối đa 200 khách.
Nghi lễ này phổ biến trong các tầng lớp thượng lưu rồi được biến đổi trong suốt những năm 1900 để trở thành một sự kiện xã hội thực sự, đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và lựa chọn cẩn thận những trang phục để mặc khi tham dự. Sau đó, phong tục này được mở rộng đến mọi tầng lớp xã hội, và các tiệm dành riêng cho nghi lễ trà chiều bắt đầu mọc lên khắp nơi.
Nhưng bữa trà chiều cũng có thể mang một khía cạnh khác và giống như một bữa ăn no. Nếu tầng lớp thượng lưu coi những khoảnh khắc này là dịp vui vẻ để gặp gỡ mọi người, trước bữa tối thịnh soạn càng tốt, thì các tầng lớp xã hội khác không có khả năng tương tự.
Đặc biệt là ở các vùng nông thôn và công nghiệp, ở phía bắc nước Anh và ở Scotland, trà chiều (afternoon tea) đã biến thành high tea. Theo đó, "tiệc trà" gần như một bữa ăn đầy đủ, bao gồm ngoài trà, một món ăn nóng với trứng. Đôi khi kèm thêm cả thịt hoặc cá, bánh mì, bơ và các món tráng miệng làm từ trái cây. Thêm vào đó high tea được phục vụ trên bàn cao thay vì bàn thấp như afftenoon tea. Một điểm khác biệt nữa là high tea thường được phục vụ lúc 6 giờ chiều thay vì khung 3 đến 5 giờ (kết thúc muộn nhất 7 giờ) như afternoon tea.
Các món ăn nhẹ của trà chiều Anh
Truyền thống uống trà chiều được bắt đầu bởi Nữ công tước Anna và sau đó được duy trì và phát triển trong suốt thế kỷ 19, bao gồm việc phục vụ tuyển chọn các loại thức ăn nhẹ. Các món ăn kèm trong trà chiều rất đa dạng với nhiều loại bánh, mứt và kem.
Trà chiều Anh không thể thiếu được món bánh scones - một loại bánh mì bơ có thể có trái cây khô hoặc không. Đây là món bánh cơ bản và truyền thống luôn có mặt trong tiệc trà chiều của người Anh. Khi ăn bánh sẽ được phết kem và mứt dâu tây lên mặt khi bánh còn âm ấm. Bánh mềm xốp kết hợp với kem sánh mịn cùng mứt dâu tây ngọt ngào tạo nên hương vị quyến rũ riêng cho món bánh scones trứ danh.
Theo thời gian, ngày càng nhiều món ngon ngọt ngào được thêm vào thực đơn. Nào bánh mì mặn, banh quy, bánh bông lan. Chẳng hạn như bánh bông lan Victoria, một loại bánh bông lan nhẹ có 2 lát xếp chồng lên nhau ở giữa là nhân mứt dâu và kem bơ, phủ lên trên mặt bánh có thể là đường bột. Đây là món bánh yêu thích của Nữ hoàng Victoria.
Hoặc bánh Battenberg cũng là món bánh được ưa chuộng trong tiệc trà chiều người Anh. Bánh có tạo hình các ô vuông xếp so le với 2 màu sắc, được bao phủ một lớp kem hạnh nhân thơm ngậy bên ngoài, bên trong bản chất cũng vẫn là bánh bông lan thông thường. Nhưng vì tạo hình hấp dẫn nên nó cực kỳ gây chú ý cho người thưởng thức.
Trà chiều thường được chia làm 3 loại là crem tea, light tea, full tea. Theo đó cream tea đơn giản nhất chỉ gồm trà, bánh scone phục vụ cùng mứt, kèm. Light tea cầu kỳ hơn một chút khi ngoài trà, bánh scone còn có thêm bánh ngọt. Full tea vô cùng thịnh soạn với trà, scone, bánh ngọt, bánh sandwich nhỏ. Với full tea, các loại bánh này sẽ được xếp lên chiếc khay 3 tầng có tên là tier.
Mỗi tầng của tier sẽ được bày loại bánh khác nhau. Tầng cao nhất được dành cho bánh ngọt, tầng giữa bày phô mai, bơ, bánh mì. Tầng cuối là nơi bày các món mặn. Khi dùng trà, người ta sẽ thưởng thức bánh theo thứ tự từ dưới lên trên.
Cách dùng trà trong tiệc trà chiều Anh
Song song với các món bánh, đã gọi là tiệc trà thì trà hẳn nhiên là quan trọng. Các loại trà được sử dụng phổ biến nhất trong trà chiều Anh là Assam và English Breakfast. Ngoài ra trà Darjeeling cũng là một sự kết hợp thú vị cần lưu ý.
Theo đúng truyền thống, người Anh sử dụng trà lá, không phải trà túi, để ủ một lúc trong ấm sứ và sau đó phục vụ nó trong tách sứ. Để tránh cặn trà, người ta sẽ cho trà vào chiếc lọc trà thay vì cho trà trực tiếp vào ấm hoặc rót trà qua lọc.
Trà có thể dùng nguyên vị. Trà thường sẽ được rót đầy đến 3/4 chén. Ngoài ra người ta cũng có thể dùng kèm sữa và chanh. Thật thú vị khi biết rằng thói quen cho thêm sữa vào trà lúc ban đầu xuất phát từ nhu cầu thực tế: đổ trà trực tiếp vào cốc sứ có nguy cơ làm ố sứ hoặc thậm chí với các loại tách sứ kém chất lượng có thể bị hỏng luôn. Đó là lý do tại sao sữa được đổ vào trước trong tách rồi mới thêm trà, đây là một phong tục kéo dài cho đến ngày nay. Ngoài ra trà còn có thể hòa với kem tươi hoặc kem đánh bông, trong trường hợp này nó gọi là trà kem.
Hiện nay, cùng với sự toàn cầu hóa, trà chiều Anh không chỉ còn là nét văn hóa ẩm thực của người Anh mà đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, các phiên bản trà chiều Anh có phần khác biệt và đơn giản hơn xưa. Tuy nhiên thực tế trà chiều Anh tại Anh vẫn có những quy tắc rất khắt khe.