Trung Quốc không cấp visa cho nhóm chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc nCoV
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ năm, 07/01/2021 15:08 (GMT +7)
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ thất vọng trước thông tin trên và cho hay đã kêu gọi Trung Quốc cho phép nhóm chuyên gia này nhập cảnh.
Giới chức Trung Quốc đã tuyên bố đoàn chuyên gia của WHO dự định đến Vũ Hán thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, để điều tra nguồn gốc nCoV sẽ không được nước này cấp visa, kể cả khi 2 người trong nhóm này đã lên đường.
Được biệt, nhóm chuyên gia này tới từ nhiều các quốc gia khác nhau, dự định tới thành phố Vũ Hán - nơi được cho là khởi phát Covid-19 - với mục đích là tiến hành nghiên cứu để tìm ra cách thức nCoV lây truyền từ động vật sang người.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO cho hay nhóm chuyên gia này đã làm việc rất chặt chẽ với các đồng nghiệp Trung Quốc về kế hoạch của chuyến đi.
Nhưng sau đó, khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng thậm chí có 2 người đã lên đường thì nhóm điều tra nhận được thông tin visa của họ không được giới chức Trung Quốc phê duyệt. Khiến 1 người phải quay lại, còn người kia hiện đang quá cảnh ở nước thứ ba.
Trước hành động này của giới chức Trung Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO đã bày tỏ rõ sự thất vọng, đồng thời ra lời kêu gọi nước này hãy để nhóm chuyên gia nhập cảnh.
Theo ông Ghebreyesus, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 này, từ hồi tháng 7 vừa qua đến nay nhiều nhóm các chuyên gia trên thế giới đã được cử đến Trung Quốc để tiến hành điều tra, tìm ra nguyên nhân lây nhiễm, điều này cũng đã được bàn bạc với giới chức nước này.
Do đó, ông cũng như các nhà khoa học trên thế giới đều hy vọng việc Trung Quốc từ chối cho họ nhập cảnh "chỉ là một vấn đề hậu cần và quan liêu có thể được giải quyết rất nhanh chóng".
Giám đốc sáng lập kiêm chủ tịch của Trung tâm Y tế Toàn cầu ở Geneva - Bà Ilona Kickbusch cho rằng, nguyên nhân chưa thể đánh bại Covid-19 chính là do yếu tố địa chính trị cản trở. Bên cạnh đó là tâm lý thù địch phát sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc các nhà khoa học tìm hiểu đại dịch đã bắt đầu như thế nào, đồng thời cho rằng sẽ khó khăn để tìm ra nguyên nhân gây nên đại dịch này.
Bà chỉ ra rằng khi đại dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2002 đến 2003, toàn cầu đã hợp tác và thúc đẩy minh bạch. Thời điểm ấy, Bắc Kinh đã thừa nhận sai lầm, sau đó đã tái cấu trúc Bộ Y tế và thành lập Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Đồng thời các quốc gia khác đã loại bỏ nghi ngờ và kêu gọi hợp tác nhiều hơn, "Đó là một thời kỳ cởi mở. Nhưng bây giờ, tất cả các bên đều có tư duy đóng cửa khá rõ ràng" - Bà Ilona Kickbusch nói.