Vì sao chúng ta khi soi gương thấy "xinh đẹp tuyệt trần" nhưng lên ảnh thì "í ẹ"?

Khi đứng soi mình trong gương chúng ta thấy sao bội phần hoàn hảo, vậy mà sau khi chụp ảnh xong nhìn lại bỗng thấy như hai người khác nhau.

Dưới đây là một số lý do giải thích cụ thể cho việc nhan sắc trong gương nhiều khi khác hoàn toàn với chính bản thân bạn khi lên ảnh.

1. Hình ảnh trong gương lại là phiên bản đảo ngược của ngoại hình chúng ta ngoài đời thực.

Chính xác là hình ảnh trong gương là hình đảo ngược của bản thân bạn trong thực tế. Nếu bạn soi gương hàng ngày, mà có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình 1 người trưởng thành soi gương tới gần 70 lần/ngày. Vậy nên não bạn sẽ ghi nhận và quen thuộc với hình ảnh đảo ngược này rồi đưa vào chế độ "mặc định" đó chính là mình. Đây được gọi là hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên. Do đó, khi được thực sự chiêm ngưỡng dung nhan thật (không bị đảo ngược), thông qua các bức ảnh chụp, chúng ta cảm thấy như lạ lẫm hay "có gì đó sai sai" là điều dễ hiểu.

Hình ảnh thật (trái) và ảnh trong gương (phải).

2. Do khả năng điều chỉnh tức thời để phù hợp với vẻ đẹp mong muốn

Khi soi mình trong gương, bạn có thể ngay lập tức điều chỉnh một cách tức thời các yếu tố như ánh sáng, hướng mặt, góc nhìn hoặc biểu cảm sao cho hình ảnh trong gương "hoàn hảo" nhất theo mong muốn của bạn. Còn lúc chụp ảnh, bạn phải điều chỉnh tư thế và mọi vấn đề liên quan bằng "trí tưởng tượng" và phản xạ nên đây là lý do khiến người ta thấy phiên bản chính mình trong gương đẹp hơn trong ảnh chụp.

Tự ngắm và chỉnh cho đúng góc "ưa thích", bảo sao không đẹp cho được.

3. Sự cảm nhận về ánh sáng và khác biệt của chúng phản ánh lên não bộ

Khi soi mình vào gương, bộ não sẽ khiến chúng ta không nhận thấy sự khác nhau về ánh sáng ở các vị trí. Thay vào đó, bộ não sẽ tự dàn đều ánh sáng lên toàn bộ hình ảnh mà mắt bạn thu được trong gương. Tất nhiên là chúng ta đang nói đến điều kiện đủ sáng tối thiểu. Ngược lại, camera lại đảm bảo tính chính xác về sáng tối của mọi chi tiết trên khung hình và đôi khi điều này lại khiến bạn khi lên ảnh có những góc "xấu không ngờ".

4. Sự tự tin và thoải mái

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta thường soi gương khi ở nhà hoặc ít nhất là ở trong một phạm vi ít bị "soi mói" hoặc tạo được cảm giác "an toàn", điều này khiến bản thân tự tin và thoải mái hơn, giúp khuôn mặt luôn ở trạng thái tự nhiên nhất. Ngược lại, khi chụp ảnh thì trước tiên ta phải đối diện với người chụp là ít nhất, ngoài ra còn có thể có thêm những người khác liên quan, hoặc chụp nơi công cộng, nơi đông người.

Điều này khiến chúng ta sẽ có đôi chút căng thẳng và gượng gạo, thậm chí là áp lực dễ gây ra những hành động, biểu cảm mất tự nhiên một cách "vô thức".

Khi soi gương (trái) và khi thấy ống kính máy ảnh (phải).

5. Chúng ta thường chỉ tập trung vào một vài chi tiết khi soi gương

Khi nhìn vào gương, chúng ta thường chỉ tập trung vào một số phần trọng tâm hoặc phần được cho là "ưng ý" nhất của khuôn mặt như môi, mũi, mắt, góc nghiêng… mà ít khi để ý đến vẻ đẹp tổng thể. Còn khi nhìn vào ảnh chụp, con người lại có thể quan sát tổng thể rồi đưa ra đánh giá ngoại hình một cách toàn diện, để ý kỹ hơn hẳn hoặc soi vào những yếu tố mà thường ngày chẳng mấy khi thèm quan tâm như: biểu hiện khuôn mặt, tư thế chụp, khóe môi, tai....

6. Con người có xu hướng nghĩ mình đẹp hơn thực tế

Các nhà nghiên cứu đến từ đại học Chicago đã chứng minh được rằng, con người thường có suy nghĩ ngoại hình của họ "xuất sắc" hơn so với thực tế. Với một nhóm các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm dạng lựa chọn. Người ta đã lấy những bức ảnh của tình nguyện viên đã được xử lý  thành hai phiên bản: “làm xấu” và “chỉnh đẹp”; sau đó, các tình nguyện viên được yêu cầu lựa chọn bức ảnh mà họ thấy giống ngoại hình thực tế của họ nhất. Kết quả, tuyệt đại đa số lựa chọn các bức hình đẹp hơn, điều này cho thấy, thực sự bản thân não bộ của con người luôn có xu hướng nghĩ mình đẹp hơn là trong ảnh hay thậm chí là cả khi soi gương.

Con người luôn có xu hướng nghĩ mình đẹp hơn trong tâm trí.

 

Bài liên quan

News feed