Công tác cứu trợ đồng bào miền Trung được nhiều người quan tâm, ủng hộ, nhưng có một số cá nhân lợi dụng hoàn cảnh này để trục lợi từ tiền từ thiện.
Cụ thể như trường hợp của nữ ca sĩ Thủy Tiên, dù tiền quyên góp tận tay giúp đỡ từng gia đình hoạn nạn nhưng sau đó vẫn có kẻ ăn chặn 40% trong tổng số 8 triệu đồng của đôi vợ chồng già ở Huế. Sau đó vợ Công Vinh đã phải "làm dữ", buộc người này trả lại 3 triệu đồng vì đó là tiền ủng hộ của khán giả.
Theo Luật sư Ngô Trần Thúy Vân đối với trường hợp này, hiện chưa có đủ cơ sở để kết luận hành vi mà người phụ nữ bị cho là ăn chặn đã thực hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cũng như có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để điều tra và xác định người phụ nữ có hành vi uy hiếp tinh thần của người đã nhận tài sản hỗ trợ để lấy tiền thì có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, khoản 1 Điều 170 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù 1-5 năm, trường hợp cao nhất là 20 năm. Bên cạn đó, còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, người phụ nữ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi cấu thành nên tội phạm, theo quan điểm của luật sư, những trường hợp này phải xử lý thật nghiêm, không vì số tiền chiếm đoạt nhỏ mà bỏ qua để tránh tái diễn và hoạt động từ thiện đạt được mục đích tốt đẹp, trao đúng người, gửi đúng nơi.
Bình luận