Cuối cùng thì Sơn Tùng cũng “dính phốt”. Nếu vụ đạo nhạc trong quá khứ là một viên đạn thì chuyện tình tan vỡ với Thiều Bảo Trâm vì nghi án “trà xanh” thực sự là một quả bom nguyên tử thả xuống sự nghiệp của Tùng.
Lần đầu tiên người ta chứng kiến lượng dislike dưới MV của Tùng tăng chóng mặt. Cũng lần đầu tiên hàng trăm nghìn người bỏ follow Tùng chỉ sau một đêm. Tùng từ idol thành côn đồ phá tan tành ảo mộng tình yêu của những fangirl, fanboy cùng những người luôn đặt niềm tin vào một thứ tình yêu thanh thuần nồng đượm cháy trăm năm không tàn lụi.
Đúng là: Mọi tội lỗi của đàn ông đều có thể tha thứ, trừ phản bội và ngoại tình.
Đấy là đặt giả thiết Tùng ngoại tình.
Trong cõi mạng này, động đất ở Nhật Bản, siêu bão ở Philippines, thảm sát ở Paris, hiếp dâm ở Ấn Độ, rơi máy bay thương mại ở Malaysia, biểu tình ở HongKong, bầu cử Tổng thống ở Mỹ… đều chẳng nhằm nhò gì so với chuyện ngoại tình, đánh ghen. Vụ cô giảng viên đại học bắt ghen chồng là nam diễn viên ít tên tuổi còn khiến các neitizen tốn sức luận bàn cả tháng ròng, nữa là nhân vật chính trong câu chuyện mang danh “ông chủ bầu trời” của showbiz Việt - Sơn Tùng M-TP.
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ngoại tình luôn khó chấp nhận. Có lẽ do vạn vật là hữu hạn và băng hoại nên con người luôn khao khát những điều vĩnh cửu. Có lẽ do tình yêu mong manh hơn cả hơi thở nên người ta cứ đặt ước vọng vào chuyện trăm năm. Chuyện ngoại tình xảy ra khiến con người phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã, rằng trong cuộc đời này, tình trăm năm là thứ không có thật, đôi khi chỉ dăm năm thôi là đã chạm tới chốn cửu tuyền của cảm xúc rồi.
Thế nên mới có chuyện, thứ tình yêu mà cả thế giới tôn sùng lại là tình yêu của chàng Romeo và nàng Juliet - hai con người trẻ tuổi mới yêu đương được dăm ba hôm đã chết vì ngu dại. Bởi vì cả hai đều chết nên tình yêu hóa bất tử. Nếu cả hai còn sống, rất có thể mối tình đó đã hoại tử rồi.
Trong cuốn Hạnh phúc thực và mộng, thiền sư Thích Nhất Hạnh có trích câu ca dao của người xưa “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” và bình đại ý rằng: Vì không lấy được nhau nên mới thương hoài ngàn năm, nếu lấy được nhau rồi thì có khi chỉ thương được có ba năm thôi.
Trở lại chuyện của Tùng và Trâm, vì mối tình 8 năm thanh xuân đứt đoạn - bởi một người vừa gặp trong gang tấc gọi nôm là trà xanh - nên người ta nhìn vào mà tiếc mãi, xót mãi, rồi cảm thán thay cho cô gái ấy mà hận chàng trai kia phụ bạc, đổi dạ thay lòng. Nhưng giả dụ bánh xe tình yêu của chàng và nàng vẫn lăn thêm 8 năm nữa, biết đâu cô gái kia lại là người xách túi rời bỏ người đàn ông yêu từ năm 18 tuổi dại khờ, thậm chí chẳng có lấy một lý do chính đáng. Nói như Quốc Bảo: “Cuộc tình dài rộng quá đôi khi lại rất buồn.”
Hay nói như Thanh Bùi: “Tình sẽ chết đời sẽ hết”. Chỉ là hết theo cách của bạn hay hết theo cách của anh ấy mà thôi.
Hết nhưng vẫn ở lại, hết nhưng chọn ra đi, hết nhưng chọn ở lại và “âm thầm bên em”... khác: Nếu là bạn, bạn chọn cách hết nào? Cách nào thì cũng buồn và đau cả thôi. Nhưng sẽ có cách mà bạn cho là phù hợp nhất với mình, “mặc kệ người ta nói”.
Tùng và Trâm đã chọn một trong ba cách hết nói trên là vì cách ấy phù hợp với họ, ngay cả khi 1 trong 2 người có thể vẫn chưa thể chấp nhận được.
Khi ấy việc một người thứ ba xuất hiện thực ra chẳng có ý nghĩa gì nhiều lắm. Bởi điều quan trọng là anh ta không còn yêu bạn chứ không phải là anh ta yêu ai. Trà xanh chỉ là một thử thách sức bền của tình yêu. Sẽ còn rất nhiều thử thách khác đến từ hồng trà, trà sữa hay trà mạn trong một đời yêu. Nếu không thể vượt qua được, đó là do bạn lựa chọn bỏ cuộc, không phải do loại trà xuất hiện trong đời.
Thanh xuân nào rồi cũng qua, trung niên nào rồi cũng đến, nếu hưởng phúc trời thì lão niên cũng sẽ tới, càng sống đủ lâu bạn sẽ càng hiểu rằng người ta sẽ không yêu duy nhất một lần trong đời, cũng như người ta sẽ không yêu duy nhất một người trong đời, và không nhất thiết rằng yêu ai sẽ phải cưới người đó hay cưới ai cũng phải yêu người đó.
Thay lòng đổi dạ, nói một cách phũ phàng nhưng chân thật, sẽ diễn ra tất yếu ở mọi con người, trừ những ai yểu mệnh chưa kịp yêu thêm người mới. Nói một cách hài hước thì: Trên đời này chỉ những người đàn ông chết sớm mới là người đàn ông chung tình.
Nói vậy thì ai dám yêu? Không, vẫn phải yêu chứ. Yêu ngoài đau thì còn hạnh phúc nữa. Đừng để nỗi đau khi hết yêu xóa sạch đi những ký ức đắm say hạnh phúc khi đương yêu. Hạnh phúc ấy không phải do một mình bạn tạo nên, không do một mình bạn hy sinh mà thành. Và nỗi đau cũng vậy. Thế nên đừng vội trách người.
Thanh xuân tươi đẹp, nhưng hậu thanh xuân cũng quý giá. Quá khứ vàng son nhưng hiện tại là kim cương. Nếu tình yêu không còn, chí hướng sai khác, lựa chọn chia tay luôn là tốt nhất cho “chúng ta của hiện tại” và cả chúng ta của sau này. Đừng lấy thanh xuân ra làm con tin để tống tình hiện tại và cầm tù tương lai.
Chẳng biết Tùng bỏ Trâm vì duyên phận hay bỏ Trâm vì Hải Tú hay bỏ Trâm vì duyên phận có tên Hải Tú. Điều quan trọng là, một chàng trai bỏ một cô gái rất nhiều khi không liên quan gì tới đạo đức hay sự tử tế, kể cả khi anh ta bỏ vì lỡ uống trà xanh. Trái tim có những thứ cảm xúc mà đạo đức đành bất lực đứng nhìn, không ngoại lệ một ai.
Trịnh Công Sơn từng viết: “Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.”
Tin Trịnh đi, một cuộc tình khép lại, một cuộc tình khác sẽ mở ra. Rồi bạn sẽ lại yêu như chưa yêu lần nào, yêu như chưa yêu thằng nào.
Trâm cũng thế và Tùng cũng vậy.
Bình luận