Cuộc khủng hoảng của COVID-19 có thể là một bước ngoặt đạo đức, một đòn bẩy cho một sự thay đổi thực sự của một quốc gia chịu ảnh hưởng, trong đó có Đức. Vậy cơn dịch COVID-19 đã làm cuộc sống người dân Đức thay đổi như thế nào?
Với đa số người dân ở Đức, việc sử dụng tiền mặt không chỉ là sở thích cá nhân mà còn thể hiện giá trị văn hóa lâu đời qua nhiều thế hệ, gắn liền với giá trị dân tộc từ bao thế kỷ. Vì thế nếu bạn có bắt gặp nhiều quán cà phê và các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở Đức không nhận thanh toán bằng thẻ mà chỉ bằng tiền mặt thì đó là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, kể từ khi COVID-19 xâm chiếm khắp thế giới, việc “ỷ lại” vào tiền mặt của người Đức cũng dần chấm dứt. Vì để hạn chế tiếp xúc và lây lan, việc sử dụng các phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, giao dịch online… được ưu tiên hàng đầu.
Từ các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ đến các trạm xăng dầu, các biển quảng cáo, đài phát thanh tại Đức đều đưa ra thông điệp khuyến khích người dân thay đổi thói quen dùng tiền mặt.
Nước Đức đề cao quyền cá nhân, vì thế biện pháp giãn cách xã hội, cách ly tại nhà từng được xem là bất khả thi. Tuy nhiên, kể từ ngày 28 tháng 2, sau khi trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ chín trên thế giới, Đức đã kéo dài lệnh đóng cửa các cơ sở giữ trẻ và trường học và ra lệnh cách ly tại nhà để an toàn sức khỏe.
Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân ở nhà và cấm các hoạt động tụ tập đông người như nhà thờ, các dịch vụ không thiết yếu.
Đức cũng đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt đối với toàn dân, nhiều công trình che chắn cũng xuất hiện trên các con đường.
Vào những tuần đầu tiên của COVID-19, các chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Đức như Aldi và Lidl đã ghi nhận nhu cầu tăng mạnh, đặc biệt với các mặt hàng thức ăn đóng hộp, mì gói, giấy vệ sinh và chất khử trùng. Từ tháng 2 đến tháng 3, doanh thu của các chuỗi siêu thị này tăng tới 700%. Từ một quốc gia phát triển thịnh vượng với đời sống bình yên, người dân Đức từ thói quen không tích trữ đã chuyển sang thói quen lo xa, tính toán nhu yếu phẩm sinh hoạt đề phòng một ngày các kệ siêu thị trở nên trống rỗng.
Nhiều cửa hàng, siêu thị ở Đức đã áp dụng các biện pháp an toàn cho người dân bằng cách đặt những bình xịt rửa tay ngay lối ra vào và chỉ định một nhân viên khử trùng giỏ hàng và xe đẩy thường xuyên.
Việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và đi đường đã trở thành điều bắt buộc vào đối với hầu hết người dân ở Đức. Chỉ nửa năm trước, việc đeo khẩu trang bị nhiều người Đức kỳ thị, thì nay, ai không đeo khẩu trang sẽ bị chỉ trích.
Hình ảnh một số cặp đôi, bạn bè gặp gỡ nhau qua hàng rào biên giới giữa thành phố phía nam Konstanz (Đức) và Kreuzlingen của Thụy Sĩ gây xúc động mạnh mẽ. Lý do là, cư dân ở cả hai thành phố này vốn thường có thể đi lại giữa biên giới hai nước tự do, nhưng kể từ khi biên giới bị đóng cửa vào ngày 16 tháng 3, việc đi lại bị cấm.
Vài tuần sau, các quan chức Thụy Sĩ đã dựng hàng rào thứ hai cách hàng rào thứ nhất 1,5 mét để thực thi các quy tắc về giãn cách xã hội, vì có quá nhiều người tiếp xúc cơ thể và chuyền đồ vật qua hàng rào.
Việc tiếp xúc qua hàng rào này sau đó được áp dụng tại nhiều địa phương ở Đức và trở thành một biểu tượng cho lối sống mới thời Covid. Nó cho thấy người Đức sẵn sàng từ bỏ các quan niệm cố hữu về sự thanh lịch cùng các định kiến truyền thống về giao tiếp khác, miễn là đối phó được với virus corona, đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội.
Tuy không ngăn chặn được sự bùng phát COVID-19, nhưng các quy trình phòng chống được áp dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đức đối phó với sự bùng phát, giúp Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Song, Covid-19 đã thay đổi và có thể là thay đổi vĩnh viễn nhưng thói quen từng tồn tại qua hàng thế kỷ của người dân Đức.
Bình luận