Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại khi vẫn xuất hiện các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Tại nhiều nước trên thế giới, hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và vẫn phải duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao. Tuy nhiên, các chuyên gia ở nhiều quốc gia trên thế giới đang thảo luận và đề xuất coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành (endemic).
Hiện có Thái Lan và Malaysia đã quyết định coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, đồng thời nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xem xét về việc sẽ coi đại dịch này là bệnh đặc hữu như cúm, sởi... mà thôi.
>>> Xem thêm: Bộ Y tế cấp phép sử dụng "siêu vaccine" của AstraZeneca, hiệu quả lên đến 83% chỉ vài giờ sau tiêm
Cụ thể, vào ngày 9/3, Giới chức Y tế Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước nhằm chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu kể từ ngày 1/7 tới. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là dần kiểm soát các đợt gia tăng số ca mắc và tử vong do chủng Omicron đồng thời đảm bảo đất nước sẵn sàng coi Covid-19 như là bệnh đặc hữu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết, quyết định trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe người dân bằng cách thực hiện các biện pháp phù hợp hơn so với hiện nay.
Đồng thời ông cũng đề nghị những người cao tuổi nên đi tiêm chủng đầy đủ càng nhanh càng tốt để giảm tỷ lệ tử vong. Bởi theo thống kê, tới hiện tại đa phần các trường hợp tử vong do Covid-19 tại Thái Lan là ở nhóm người cao tuổi.
Giới chức Y tế Thái Lan dự báo, trong thời gian tới, số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này sẽ tăng cao, đặc biệt là giai đoạn đầu tháng 4 khi kỳ nghỉ Tết Té nước diễn ra. Tuy nhiên, vào cuối tháng 5, số ca sẽ giảm xuống, do đó từ ngày 1/7, nước này sẽ có thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Ngoài ra, giới chức nước này cho biết, để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Thái Lan là 0,18%.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Thái Lan vào khoảng 71,7% trong tổng số 70 triệu dân trong khi đó tỷ lệ tiêm mũi 3 là khoảng 30,6%. Việc Chính phủ nước này xác định Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cho phép mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường, khách du lịch tới đây sẽ không phải tiến hành xét nghiệm và ở nơi công cộng người dân sẽ không còn phải đeo khẩu trang trừ những người bị bệnh.
Tại cuộc họp báo ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, từ ngày 1/4, Malaysia sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới, khi nước này bắt đầu chuyển đổi sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Với sự thay đổi này, ông Yaakob cho biết, du khách quốc tế khi nhập cảnh vào Malaysia chỉ cần có giấy tờ thông hành hợp lệ để xuất nhập cảnh và chỉ phải tải ứng dụng theo dõi tiếp xúc MySejahtera thay vì đăng ký thông qua cơ chế MyTravelPass. Đồng thời người Malaysia có thể tự do đi lại đến các quốc gia khác có đường biên giới mở tương tự.
Đối với người đã tiêm phòng đầy đủ không cần phải cách ly nhưng trước khi khởi hành phải thực hiện xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi đến Malaysia. Ngoài ra, người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe cũng sẽ được áp dụng những quy chế riêng.
Thủ tướng Ismail Sabri còn cho biết thêm, với các quốc gia có biên giới chưa mở lại hoàn toàn như Indonesia và Singapore, người dân Malaysia vẫn có thể sử dụng các làn đường du lịch cho người đã tiêm chủng như thỏa thuận trước giữa các quốc gia.
Tây Ban Nha hiện đang kêu gọi xem COVID-19 như bệnh đặc hữu, có nghĩa là một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó như bệnh cúm.
Theo hãng tin AFP hiện Mỹ và nhiều nước như Anh, Đan Mạch cũng đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và một số quy định phòng dịch khác và đang hướng tới việc sống chung và xem COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu. Đồng thời giới chức nhiều quốc gia châu Âu hiện cũng đang cân nhắc dừng việc ứng phó với COVID-19 như một cuộc khủng hoảng, thay vào đó sẽ tiếp cận nó giống như bệnh cúm hoặc bệnh sởi, tức chấp nhận nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết, ở nước này số ca nhiễm lớn và tỉ lệ phủ vaccine cao cũng đồng nghĩa đợt dịch hiện tại có thể là đợt dịch nghiêm trọng cuối cùng.
Ở Canada, chính quyền British Columbia mới đây cũng thông báo, giới chức nước này đã ngừng truy vết ca nhiễm và kêu gọi những ai có triệu chứng nhiễm COVID-19 chỉ phải ở nhà đến khi cảm thấy khoẻ lại.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đức, ông Christian Drosten, nhà virus học nổi tiếng ở quốc gia này đánh giá rất có thể Đức sẽ phải chuyển sang xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Cụ thể, ông cho biết: "Chúng ta không nên mở toang cánh cổng. Nhưng ở một số nơi, chúng ta phải hé một chút cho virus".
Tờ National Post cũng đưa tin, tại Nam Phi - nơi Omicron lần đầu được ghi nhận, chuyên gia dịch tễ Shabir Madhi nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đi đến điểm ngoặt của đại dịch. Những gì chúng ta cần làm là học cách sống chung với virus và quay lại với một xã hội bình thường nhất có thể".
Về phần mình, WHO cho biết, tổ chức này đặt kì vọng 2022 là năm mà con người kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19. Để thực hiện mục tiêu đó, hiện WHO nỗ lực vận động các nước giải quyết tình trạng bất công bằng vaccine và hướng tới chủng ngừa COVID-19 khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.
Bình luận