Trong phần giới thiệu, Kênh Youtube Thơ Nguyễn có 8,74 triệu người đăng ký theo dõi, tức xấp xỉ 9 triệu. 9 triệu người theo dõi, tức khoảng 1/10 dân số Việt Nam theo dõi Thơ Nguyễn, trong đó phần đa là trẻ em. Tôi thật không thể hiểu nổi.
Bao nhiêu ông bố bà mẹ, sẽ giật mình, về nhìn lại xem tài khoản của con mình (nếu được lập), hay tài khoản của mình và con đang dùng, hiện đang follow Thơ Nguyễn?
Liệu các ông bố bà mẹ có đang nắm được con mình đang theo dõi kênh nào, đang xem những cái gì trên Youtube, nắm rõ cái nào tốt, cái nào độc hại, để cho con xem không?
Hay cứ chỉ ào ào lên án Thơ Nguyễn, ầm ầm đòi "report" Thơ Nguyễn, mà không nhận ra rằng, bao lâu nay, người đang góp view cho Thơ Nguyễn, đóng tiền cho Thơ Nguyễn ngày càng giàu và nổi tiếng, đến mức thành 1 trong 5 kênh youtube kiếm tiền nhiều nhất Việt Nam, chính là bản thân mình?
Trong vụ việc Thơ Nguyễn đang gây rúng động mạng xã hội, trong lúc chờ Thơ Nguyễn có một lời xin lỗi thực sự chân thành, trong lúc chờ TikTok hay Youtube phát ngôn về trách nhiệm của họ trong việc để những nội dung độc hại với trẻ em được lưu hành, thì các phụ huynh - những ông bố và những bà mẹ - cần nhìn lại vai trò trách nhiệm của mình trước. Các bố mẹ đã đồng hành với con chưa, đã giám sát con đầy đủ chưa, trên cái môi trường mạng luôn tiềm ẩn những thứ vô bổ không mang lại thứ kiến thức kĩ năng nào cũng chẳng mang lại cái gì cho tâm hồn, thậm chí đầu độc lũ trẻ? Hay chính các bố mẹ cũng lệ thuộc vào Youtube và TikTok, tìm kiếm niềm vui nhảm nhí nơi đó và quăng cho con cái mình chiếc điện thoại, iPad để đổi lấy sự ngoan ngoãn của chúng trong nhiều tiếng đồng hồ?
Với tốc độ phát triển của internet tại Việt Nam, công nghệ bây giờ đi vào đời sống của từng gia đình. Điện thoại thông minh nằm trên đầu ngón tay của mỗi đứa trẻ.
Lũ trẻ, từ 3 tuổi, thậm chí còn chưa nói sõi, chưa biết chữ, nhưng đã biết dùng điện thoại. Muốn cấm, cũng chẳng được. Bởi biết dùng điện thoại, giờ đây là một thứ kĩ năng sống cơ bản cần phải có.
Nhưng trên mạng cũng có cả vàng và thủy ngân, có cả những thứ là tri thức, những điều tốt đẹp nuôi dưỡng tâm hồn, và cũng đủ những thứ vô nghĩa, vô bổ và tệ hơn là độc hại. Và nếu người lớn thích hóng hớt, thì tò mò là cái bọn trẻ có thừa.
Bởi vậy, không thể trông đợi vào sự tử tế và trách nhiệm cộng đồng của giới Youtuber, không thể ỷ lại vào trách nhiệm pháp luật của các đơn vị kinh doanh ứng dụng mạng xã hội, càng không thể đợi khi sự cố xảy ra thì gào lên đòi khóa kênh, xóa clip, xin lỗi, pháp luật vào cuộc... Khi những điều đó được thực hiện, thì tâm hồn của những đứa trẻ đã bị nhuộm màu.
Thơ Nguyễn không có cửa để đặt chân vào nhà mình nếu mỗi cha mẹ đều đồng hành với con trong mọi việc, trong đó có cả việc ngồi xem Youtube cùng nhau, tại sao không?
(* Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả)
Bình luận