
Với nhiều người miền Nam hoặc miền Trung, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm đầu xuân. Trước đây, những chiếc bánh tét thường chỉ có màu xanh nhạt đặc trưng, còn hiện nay, chiếc bánh tét đặc trưng ấy đã có thêm khá nhiều "người anh em" đủ màu đủ sắc đồng hành cùng.
Bánh tét thường
Nếu như người miền Bắc thường gói bánh chưng để chuẩn bị cho ngày Tết, thì miền Nam và miền Trung lại có thói quen gói bánh tét cho mâm cỗ ngày xuân. Bánh tét thường có hình trụ dài và được gói lại bằng lá chuối, vì vậy lớp vỏ bánh sẽ có màu xanh nhạt chứ không xanh được như bánh chưng gói lá dong.
Bánh tét thường cũng có phần nhân giống như bánh chưng, đó là gồm đỗ và chút thịt mỡ. Khi ăn bánh tét, người Việt thường dùng kèm một chút dưa món hoặc củ kiệu để “giải ngấy”.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Với nhiều người dân Cần Thơ, món bánh tét lá cẩm không hề xa lạ chút nào. Theo nhiều người dân xứ Tây Đô, người đầu tiên nghĩ ra cách dùng lá cẩm để vỏ bánh tét có màu tím lại mắt chính là cụ Huỳnh Thị Trọng. Trong một lần tình cờ dùng lá cẩm pha nếp làm bánh, cụ đã nghĩ ra món bánh này, để rồi sau đó rất nhiều người bắt chước và làm theo. Thế nhưng cho đến giờ, bánh tét lá cẩm họ Huỳnh ở Bình Thuỷ, Cần Thơ vẫn là loại nổi tiếng nhất.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ không chỉ đẹp mắt mà còn nổi tiếng với 4 loại nhân khác nhau, nhân chuối, nhân đậu, nhân mỡ và nhân thịt trứng muối. Tuỳ vào sở thích cá nhân mà bạn có thể tìm cho mình một loại ưng ý.
Bánh tét Mật Cật Phú Quốc
Với nhiều người, lá mật cật thường chỉ được dùng để chằm nón hay trang trí, thế nhưng với sự sáng tạo và khéo léo, người Phú Quốc đã dùng nó để gói thành những đòn bán tét hình tam giác khá lạ mắt.
Trước khi được dùng để gói bánh, người ta sẽ phơi lá cho héo để có thêm độ dai, lá sẽ không bị rách khi gói. Khi gói bánh xong cũng phải buộc chặt vừa phải, nếu buộc chắn quá bánh có thể không chín đều, nhưng nếu bị lỏng thì bánh sẽ bị nước vào nhiều và nhão. Tuy cần phải cẩn thận và tỉ mỉ khi gói bánh, thế nhưng lớp vỏ lạ này sẽ khiến bánh có hương vị đặc biệt, khiến bánh tét Mật Cật nhanh chóng trở thành đặc sản của đảo ngọc Phú Quốc.
Bánh tét chuối đậu mỡ
Nếu đã có dịp đến miền Tây vào dịp Tết Nguyên Đán, bánh tét chuối đậu mỡ là một trong những món ăn mà bạn không nên bỏ qua. Thoạt nghe thì có vẻ khá kì lạ khi chiếc bánh này vừa có nhân ngọt lại vừa có nhân mặn, thế nhưng khi đã thưởng thức, bạn sẽ phải trầm trồ kinh ngạc với nét đặc trưng và sự độc lạ của món bánh này.
Một chiếc bánh tét chuối đậu mỡ sẽ gồm có lớp vỏ, sau đó đến lớp nhân chuối, rồi một lớp nhân đậu ở giữa và cuối cùng là nhân mỡ. Chính sự kết hợp nhiều mùi vị này đã khiến bánh có hương vị rất lạ và ngon miệng. Đó là sự kết hợp của vị ngọt thanh từ chuối, một chút bùi bùi của nhân đỗ và vị béo ngậy nhưng không ngấy của mỡ.
Bánh tét gấc Đồng Tháp
Với những tín đồ của xôi gấc, chắc chắn món bánh tét gấc Đồng Tháp sẽ khiến bạn phải “reo lên vui sướng” khi nhìn thấy. Có hình dáng như những chiếc bánh tét thông thường, thế nhưng bánh tét gấc sẽ có màu vàng cam từ quả gấc. Nhân bên trong thường là nhân chuối và nhân đậu xanh, có một số vùng ở Đồng Tháp cũng sáng tạo thêm nhân đậu xanh hạt sen.
Màu sắc bắt mắt và tượng trưng cho may mắn đã giúp bánh tét gấc Đồng Tháp nhanh chóng “phá đảo” trong các dịp Tết đến xuân về.
Bánh tét cốm dẹp
Khác với nhiều loại bánh tét thông thường, bánh tét cốm dẹp có nguyên liệu chính là hạt cốm dẹp. Đây cũng là nếp, thế nhưng sau khi được gặt sớm hơn nửa tháng, người ta sẽ mang loại hạt này đi rang và sau đó cho vào cối giã. Bên cạnh đó, loại bánh tét này cũng cần nguyên liệu dừa làm “điểm nhấn”.
Nổi tiếng nhất là bánh tét cốm dẹp Trà Vinh, bánh ở đây thường khá nhỏ, khi ăn bạn sẽ thấy lớp vỏ có độ dẻo mịn và thơm mùi lớp dừa. Bên cạnh đó, bánh tét cốm dẹp không luộc như bánh tét thông thường mà được đem đi hấp cách tuỷ nên bánh không bị nhão mà chín từ từ.
Bánh tét ba màu
Một trong những loại bánh tét cầu kỳ và đep mắt nhất phải kể đến là bánh tét ba màu, loại bánh tét này thường được làm từ gấc, lá cẩm, bánh tét thường ( cũng có nơi sử dụng lá dứa để tạo màu xanh). Trước khi gói bánh, người ta sẽ mang nếp đi ngâm để có màu cần dùng. Và phải rất khéo léo mới có thể gói được môt chiếc bánh tét 3 màu mà các hạt gạo nếp không bị dính vào nhau.
Bánh tét ba màu cũng có khá nhiều loại nhân đặc biệt như: trứng muối, nhân chuối…thế nên dù là team mê bánh tét mặn hay bánh tét ngọt thì bạn vẫn có thể tha hồ lựa chọn một loại để thưởng thức.
Bình luận