Nhón chân vào tuổi 35, tôi có 1 lão chồng và 2 đứa con, 2 bằng Đại học. Tôi thấy thế cũng tạm được. Nhìn chung cuộc đời không phải luôn bằng phẳng, nhưng cũng thấy mình khá hơn hội bạn độc thân. Tôi có vài đứa bạn, khi mình mải chửa đẻ thì nó tèn tèn học Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ, giờ đã là lãnh đạo cỡ bự ở cơ quan. Có đứa đi dọc Việt Nam chẳng sót tỉnh nào, châu Á cũng cỡ hơn chục nước, năm nay mà không Covid, nó sẽ ngao du châu Âu.
Ừ thì đôi khi cũng thèm như thế, vì trong khi tôi đi làm về là chúi đầu vào cơm nước, con cái, họ có nhiều thời gian tập trung hơn vào cuộc sống cá nhân, sự nghiệp. Khi tôi loanh quanh với mấy tình yêu to nhỏ, họ có cơ hội chạy theo những cuộc phiêu lưu, không bị kìm kẹp bởi một mối quan hệ "nghiêm túc" nào cũng như chịu trách nhiệm với ai, không phải san sẻ tiền cho việc chăm sóc cho con cái gia đình.
Có lẽ vì thế mà chỉ tính đến năm 2016, tỷ lệ người trẻ trên toàn thế giới chọn lựa “nói không với lập gia đình” đã tăng lên 80% so với 15 năm trước, biến “độc thân” trở thành một lối sống của giới trẻ hiện đại.
Nhưng tôi từ chối sống cả đời độc thân (kể cả khi có cơ hội), vì tin rằng nó không thật sự thoải mái, tự do như kỳ vọng đâu. Nhân danh một người có chồng con, tôi không hiểu nổi ai đó sẽ ra sao khi già đi mà vẫn một mình.
À, chắc sẽ là khó tính, chẳng được ai ưa. Không ngẫu nhiên mà hình ảnh của người độc thân về già thường là mấy ông, bà gàn dở, khó tính với một lũ mèo quạu cọ. Dù tuổi trẻ bạn có được nhiều người theo đuổi đến đâu, khi ngấp nghé trung niên mà không có bạn đời hoặc không có con, chắc chắn bạn sẽ không có trọn vẹn cảm xúc và trải nghiệm trên đời.
Một trong những thiếu hụt lớn nhất của cuộc đời, ấy là ta không có người đồng hành, không xây dựng được một mối quan hệ thân tình nào cả. Không phải vì gia đình là hạt nhân xã hội gì đâu, đó là chuyện của vĩ mô. Mà vì không có bạn đời, ta sẽ không có ai để đồng hành, nâng đỡ, hỗ trợ mình. Ta cũng không học được cách chung sống hòa hợp được người khác.
Không được đào tạo về cảm xúc và xử lý tình huống từ khi còn trẻ, quen với việc ở một mình, chẳng khó hiểu nếu về già bạn sẽ cáu kỉnh và khó tính.
Rồi còn ốm yếu, già cỗi ai chăm? Đừng tự tin rằng mình không ốm, mà cũng chớ ỷ y rằng có tiền thì vào bệnh viện, viện dưỡng lão là có người chăm sóc tận răng. Vì đó đơn thuần là dịch vụ mua bán, đổi chác, sao có thể so sánh với nghĩa nặng tình sâu.
Đây là nghiên cứu khoa học hẳn hoi, rằng có mối liên hệ chặt chẽ trong gia đình sẽ tăng khả năng cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ của con người. Còn khi sống cô độc, khả năng miễn dịch của cơ thể kém hơn, nói thẳng là ốm yếu và… mau chết hơn.
Gánh nặng tài chính khi một mình nuôi thân cũng là điều cần cân nhắc trước khi anti việc lập gia đình. Đơn giản vì thay vì có người cùng chia sẻ tiền nhà, tiền ăn, hoặc đỡ đần khi có biến cố, thì bạn phải gánh vác một mình.
Ấy là còn chưa kể đến việc chết già mà không ai thờ cúng, không ai nhớ đến nữa. Con người ta chỉ thực sự mất đi khi không còn ai trên đời có ký ức về họ. Ai sẽ nhớ đến bạn, nếu những người thân thiết nhất với bạn đều đã già hơn, và trở thành thiên cổ?
Bình luận