Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết trên Infonet, ở Hà Nội thời gian qua số trẻ mắc Covid-19 cũng đã ghi nhận nhưng không nhiều và hầu hết đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Trong khi đó, việc tiêm vaccine hiện nay sẽ giúp làm giảm được sự lây nhiễm nhưng không thể giúp phòng bệnh triệt để. Có những người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 và lây lan cho người khác.
>>> Xem thêm: Bộ trưởng Bộ Y tế: “Vắc xin tiêm cho trẻ em tại Việt Nam là vắc xin Pfizer"
Chính vì nguyên nhân đó, ông Trần Đắc Phu cho rằng, khi người lớn đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 thì Hà Nội có thể cho học sinh đi học trở lại hoặc khi các em học sinh đã được tiêm vaccine là tốt nhất.
Dù vây, ông Phu nhấn mạnh rằng, khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lớn, Hà Nội vẫn có thể cho học sinh đi học trở lại. Nguyên nhân là tới hiện tại, trẻ đã ở nhà quá lâu, nhất là các lớp đầu cấp, việc học trực tuyến thời gian dài sẽ ảnh hưởng tinh thần, thể chất của trẻ vì không được giao tiếp với thầy cô giáo, với bạn bè.
“Lúc này cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta không thể về “Zero Covid-19”, phải chấp nhận sống chung nhưng phải lưu ý là khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt”, ông Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng khi trẻ tới trường thì đối với nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh, cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ngoài thực hiện 5K thì bất cứ gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ nếu có các dấu hiệu như ho, sốt, khó thở thì ngay lập tức cho trẻ nghỉ học, tiến hành khai báo y tế, khai báo với đơn vị nhà trường để phối hợp với y tế xử lý.
Đồng thời, khi trẻ tới lớp cần hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may có trường hợp F0 thì không làm lây ra lớp khác hay lây ra cả trường. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện thường xuyên nhưng tránh ùn ứ, đồng thời phòng học cần thông thoáng, tránh phòng kín.
Bình luận