Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tối 28/6 đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 115 trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn. Theo đó, nếu chỉ tính điểm thi, thí sinh có thể giành tối đa 60 điểm và điểm xét tuyển đậu vào lớp 10 sẽ được tính bằng tổng điểm Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng với điểm Ngoại ngữ, Lịch sử và điểm ưu tiên.
Năm nay, trường lấy điểm chuẩn cao nhất với mức 53,3 là trường THPT Chu Văn An, nghĩa là thí sinh phải đạt 8,88 điểm mỗi môn mới có thể trúng tuyển. Ngoài ra, trường cũng lấy điểm chuẩn từ 50 trở lên là Yên Hòa (50), trường Kim Liên (50,25).
Trong khi đó, 10 trường lấy điểm chuẩn thấp nhất trong top 10 trên địa bàn Hà Nội là 18,05 - 24. Cụ thể, trường Minh Quang và Bất Bạt đứng chót, với mức điểm trung bình mỗi môn chỉ 3,01 điểm. Năm ngoái, hai trường này cũng lấy điểm chuẩn bằng nhau với mức điểm đậu là 13 - nghĩa là 2,6 điểm một môn, chỉ cao hơn THPT Đại Cường 0,5 điểm. Xếp trên Minh Quang và Bất Bạt là trường Nguyễn Văn Trỗi và THPT Mỹ Đức C, với mức điểm đầu vào lớp 10 là 20 điểm. Trường Mỹ Đức C năm nay vẫn giữ nguyên mức điểm trung bình như năm ngoái là 3,3 mỗi môn, dù hầu hết các trường đều tăng điểm chuẩn.
Cùng đứng thứ 5 trong top 10 trường có điểm chuẩn thấp nhất Hà Nội là Bắc Lương Sơn và Lưu Hoàng với 21. Dù thấp, điểm chuẩn của trường Lưu Hoàng năm nay điểm chuẩn mỗi môn răng lên 3,5 so với mức năm ngoái là 2,6 điểm mỗi môn. Trong khi đó, trường Bắc Lương Sơn năm nay điểm chuẩn lại giảm nhẹ, từ 3,6 xuống 3,5.
Các trường còn lại của top 10 trường THPT thấp nhất gồm Đại Cường (22), Ứng Hòa B (22,5), Ba Vì và Hợp Thanh (cùng 24). Trong đó, Đại Cường lấy điểm chuẩn thấp nhất Hà Nội, chỉ 2,5 mỗi môn vào năm ngoái, thấp hơn năm nay 1,7 điểm. Ba trường còn lại điểm chuẩn trung bình môn so với năm trước gần như không thay đổi, dao động 3,8-4.
Trong top này, khu vực 12 (gồm huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa) có đến năm đại diện. Đây cũng là khu vực có trường thường xuyên lấy điểm thấp nhất Hà Nội. Khu vực 8 gồm Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì năm nay cũng có ba trường, khu vực 9 bao gồm Thạch Thất, Quốc Oai và khu vực 10 bao gồm Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai mỗi nơi có một trường.
Ngoài 10 trường THPT kể trên, năm nay Hà Nội còn có 19 trường khác, lấy điểm chuẩn dưới 30, tức chưa đến 5 điểm mỗi môn.
Từ vài chục năm nay, chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội đã diễn ra, đặc biệt sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008. Nói về nguyên nhân của sự chênh lệch này, nhiều nhà giáo cho rằng đầu tiên là chất lượng đội ngũ giáo viên chênh lệch, tiếp theo là do điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập và nguyên nhân cuối cùng là do đời sống khó khăn, phụ huynh chưa chăm lo, quan tâm đến việc học tập của con em.
Do Covid-19, sau 2 lần lùi thi, vào ngày 12-13/6, hơn 93.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội đã thi 4 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Lịch sử để giành 67.000 suất vào lớp 10 công lập. 26.000 em còn lại sẽ học trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập, ttrung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và học nghề.
Bình luận