Từ ngày 1/7, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, những điều mới bổ sung trong luật này quy định việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. So với bộ luật trước đây, có nhiều quy định mới liên quan đến sổ hộ khẩu, cách thức đăng ký thường trú vào các TP lớn... được nêu rõ trong Luật Cư trú 2020.
Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Luật Cư trú 2020 đã quy định phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy được chuyển sang số định danh cá nhân được ghi trên căn cước công dân gắn chip. Theo đó, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú sẽ không được cơ quan chức năng cấp mới, cấp lại.
Đến hết ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đã được cấp vẫn còn giá trị sử dụng. Từ ngày 1/1/2023, sổ này sẽ không còn giá trị sử dụng.
Mọi thông tin về cư trú từ ngày 1/7, sẽ được cập nhật, thay đổi trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, khi luật này có hiệu lực, người dân không cần mang sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi đi làm các thủ tục hành chính, thay vào đó chỉ xuất trình căn cước công dân gắn chip.
Ngoài ra, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 1/7, thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú
Điều 24 Luật Cư trú 2020 quy định 9 trường hợp người dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú, gồm: Người đã mất hoặc tòa án tuyên bố mất tích; những người định cư ở nước ngoài; trường hợp đã đi khỏi nơi thường trú từ 12 tháng mà không đăng ký tạm trú ở nơi khác; những người bị cho thôi quốc tịch; ngường có nơi đăng ký thường trú đã bị cơ quan chức năng có quyết định phá dỡ hoặc tịch thu...
Ngoài ra, Luật Cư trú 2020 quy định nếu không phải bị can, bị cáo, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi đơn vị cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.
Người dân có thể khai báo tạm vắng qua điện thoại, phương tiện điện tử, trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua phương tiện khác
Bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP.HCM
Luật Cư trú 2020 quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó nếu có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình. Trong các trường hợp vợ/chồng về ở với nhau; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… và được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý thì công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp dù không thuộc quyền sở hữu của mình.
Ngoài ra, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đó nếu được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình.
Đáng chú ý, trong luật mới bổ sung này quy định, công dân được quyền đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.
Nếu là người làm nghề lưu động, sinh sống trên phương tiện cũng sẽ được đăng ký thường trú tại phương tiện đó trong trường hợp là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đồng ý cho đăng ký thường trú; đồng thời được UBND cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ xác nhận về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở.
Bình luận