Ngày 5/12, họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Cung qua đời vì tuổi cao sức yếu, lễ viếng họa sĩ diễn ra tại nhà riêng từ ngày 5/12, lễ động quan vào sáng 9/12, linh cữu được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, hưởng thọ 84 tuổi.
Nói về họa sĩ Phạm Cung, nhà thơ Hồ Thi Ca viết: "An nhiên nơi cõi vĩnh hằng nhé anh". Một người bạn của ông là nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết dù Phạm Cung chuyên về điêu khắc, nhưng ông nổi tiếng ở mảng hội họa và trước khi qua đời ông vẫn sáng tác đều tay.
Họa sĩ Phạm Cung bắt đầu theo nghề từ năm 1956, ông thích vẽ đàn bà hơn là vẽ thiếu nữ, vì họa sĩ cho rằng nét đẹp của các quý bà thể hiện được sự trải nghiệm của cuộc đời nhiều hơn. Trong đó ông có vẽ về người bạn 1 thời của ông là cố danh ca Thái Thanh.
Về điêu khắc ông từng phát triển kỹ thuật đúc đồng mới, còn chất liệu đất nung, ông chịu ảnh mỹ thuật của người Chăm vì say mê điêu khắc Chăm từ nhỏ.
Được biết, họa sĩ Phạm Cung là vẽ và viết tay trái và thường viết từ phải qua trái, do đó muốn đọc dòng chữ trên các bức vẽ của ông phải dùng gương phản chiếu.
Sinh thời, Bùi Giáng là bạn rất thân của Phạm Cung và thường xuyên ăn ở nhà Phạm Cung. Được biết tranh của Phạm Cung chủ yếu lấy cảm hứng từ thơ của Bùi Giáng. Dù Phạm Cung lưu giữ nhiều tranh Bùi Giáng nhưng không có ý định bán.
Khi đương thời, Phạm Cung từng nói: "Đàn bà trong mắt tôi thế nào thì đàn bà trong mắt Bùi Giáng chắc cũng như vậy".
Phạm Cung từng chia sẻ, ông không chịu ảnh hưởng của ai và tự theo trường phái riêng. Trong những năm làm nghệ thuật, năm 2012, ông ra mắt triển lãm 37 tác phẩm sơn dầu "Đàn bà trong mắt tôi" ở quận 3.
Được biết những năm tháng cuối đời, họa sĩ Phạm Cung vẫn không ngừng hăng say sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ngay tại căn nhà nhỏ tại đường Trần Cao Vân (quận Phú Nhuận) - nơi cả gia đình ông sinh sống.
Họa sĩ Phạm Cung sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi, khi sinh thời ông cùng thầy - họa sĩ Duy Liêm - từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn làm sơn mài, gốm... Biệt tài của ông là vẽ được nhiều chất liệu: sơn dầu, lụa, màu nước, thủy mặc.
Bình luận