Khác biệt thú vị giữa mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền

ThanhPham Đăng lúc: Thứ sáu, 25/12/2020 22:00 (GMT +7)
Do những đặc thù về văn hóa, địa lý, thời tiết và sản vật nên mâm ngũ quả ngày xuân ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam lại có sự khác biệt đặc trưng.
Hashtag #Tết Nguyên đán #NEWS #Nóng trên MXH

Mâm ngũ quả là một trong những hình ảnh tiêu biểu và là một phần đặc trưng nổi bật của ngày Tết truyền thống Việt Nam.

Gọi là mâm ngũ quả vì thường gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại quả được sắp xếp bày biện là đại diện cho nguyện ước, mong muốn của các gia đình trong năm mới. Tuy nhiên, tại mỗi miền trên dải đất hình chữ S, người dân lại có cách sắp đặt riêng cho mâm ngũ quả, thể hiện tập tục địa phương riêng biệt.

Mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành của miền Bắc

Theo quan niệm văn hóa phương Đông, ngũ hành là 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ, bao gồm: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Màu sắc tượng trưng cho ngũ hành trên mâm ngũ quả tương ứng là: Trắng –Xanh - Đen – Đỏ - Vàng. Mâm ngũ quả của người Bắc bao hàm ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng vũ trụ, đất trời.

Con số 5 hay là "Ngũ" còn thể hiện mong ước của gia chủ sẽ đạt thành "ngũ phúc lâm môn": Phúc (may mắn), Thọ (sống lâu), An (bình yên), Khang (sức khỏe), Phú Quý (giàu có, sung túc).

Cách bày cơ bản trong mâm ngũ quả miền Bắc theo thứ tự: nải chuối dưới cùng là giá đỡ, đặt giữa trung tâm là bưởi hoặc phật thủ vàng, đặt xung quanh và xen kẽ thường là cam, quýt, táo, hồng, sung… sao cho cân xứng và đủ màu sắc của ngũ hành.

Mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành của miền Bắc.
Mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành của miền Bắc.

Mâm ngũ quả “bốn phương tám hướng” của miền Trung

Do đặc thù khí hậu khắc nghiệt và sản vật kém phong phú hơn các vùng miền khác nên người dân miền Trung không quá cầu kỳ và cứng nhắc trong quy tắc chọn loại quả bày trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Các gia đình nơi đây thông thường sẽ có gì cúng nấy, miễn sao có sự thành tâm thành ý với tổ tiên ông bà, vì vậy các loại quả được bày không theo quy luật nào nhất định, quả nào cũng được. Trong số đó thì xuất hiện nhiều nhất thường là chuối, xoài, quýt, thanh long hay cam, sung, táo… Đến tận bây giờ, khi các loại hoa quả dễ dàng có hơn trước rất nhiều thì mâm ngũ quả trong các gia đình miền Trung cũng vẫn giản dị, không cầu kỳ như người Bắc, có chăng là nhiều loại quả hơn mà thôi.

Mâm ngũ quả có gì dùng nấy của miền Trung.
Mâm ngũ quả có gì dùng nấy của miền Trung.

Mâm quả “Cầu sung đủ xài” của miền Nam

Dó ảnh hưởng của người Hoa kiều, trong mâm ngũ quả của gia đình miền Nam thường có sự kiêng kỵ rất lớn với những loại quả dễ “nói trại” thành các từ không may mắn, đồng thời ưu tiên các loại quả có tên đồng âm với tiêu chí “Cầu sung vừa đủ xài"

Có thể kể đến những loại quả “nghe tên đã thấy hên” theo tiêu chí trên như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Một số loại cũng bị liệt vào danh sách “tối kỵ” để thờ cúng là chuối ( đồng âm với chúi trong chúi nhủi, thất bát không phất được) hay là quả lê (lê lết, đổ bể, không thành công) hoặc những loại quả ngoài miền Bắc hay bày là cam cũng bị loại bỏ bởi theo quan niệm người miền Nam, cam gắn với câu tục ngữ “quýt làm cam chịu” thường gợi nên sự lam lũ, vất vả, bất công và thiếu may mắn.

Cách bày mâm ngũ quả nơi đây thường lấy những trái cỡ lớn hoặc cứng cáp như dừa, đu đủ, mãng cầu đặt trước để tạo thế vững, sau đó, các quả nhỏ được bày lên trên theo thứ tự phù hợp để tạo hình dạng cuối cùng như ngọn tháp. Ngoài ra, các gia đình còn ưa chuộng đặt thêm cặp dưa hấu ở 2 bên mâm quả sau khi đã hoàn thành để tăng thêm vẻ bề thế, sung túc cho ban thờ gia tiên.

Mâm quả 'Cầu sung đủ xài' của miền Nam.
Mâm quả "Cầu sung đủ xài" của miền Nam.
Nguồn gốc và ý nghĩa của tục đốt pháo ngày Tết Nguồn gốc phong tục mừng tuổi đầu năm mới có từ bao giờ? Vì sao người miền Nam gọi mừng tuổi là lì xì?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp