Kĩ sư Phạm Đình Quý là người nổi tiếng có nhiều năm kinh nghiệm gây quỹ, xây trường cho trẻ nghèo vùng cao. 6 năm qua, anh Quý tự đứng ra kêu gọi ủng hộ và trực tiếp thực hiện 136 ngôi trường ở các địa bàn hẻo lánh, hiểm trở nhất vùng núi phía Bắc. Riêng năm 2019, anh đã vận động xây dựng 31 ngôi trường mới với tổng số tiền gần 20 tỉ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp.
Hiện nay, kĩ sư Phạm Đình Quý đang có mặt tại Quảng Trị để triển khai kế hoạch cứu trợ bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Khác với cách làm của phần đa các đoàn từ thiện là cứu trợ trực tiếp, anh Phạm Đình Quý lại thông qua chính quyền địa phương với suy nghĩ chính quyền xã chính là "người bên trong" hỗ trợ đắc lực cho hai bên.
"Cả nước vẫn đang sôi sục muốn lao về vùng lũ, nhưng tất cả các con đường để về với đồng bào đều đang vẫn cực kỳ nguy hiểm. Tiền rất nhiều, lương thực rất nhiều, nhưng nếu không biết cách chúng ta sẽ không thể cứu trợ 1 cách kịp thời và hiệu quả. Cả đêm qua và ngày hôm nay tôi ngồi nghĩ và giờ thì quyết định đưa ra 1 giải pháp có thể gọi là "táo bạo" như sau: Không cách gì khác, ngay lúc này, chính quyền xã chính là "người bên trong" sẽ giúp được chúng ta", anh Quý chia sẻ trên mạng xã hội.
Để phương án này thực sự hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch, anh Quý sử dụng công nghệ và mạng xã hội để quản lý và giám sát.
Cụ thể cách làm của anh Quý được anh mô tả như sau:
"1. Gọi điện cho tôi, thông báo số hộ gia đình thiệt hại (Chỉ cần số lượng). Trong 15 phút tôi sẽ gửi lại cho xã qua email một bảng danh sách.
2. Xã sẽ điền tên các hộ gia đình vào danh sách theo từng thôn mà tôi đã làm sẵn. Căn cứ vào số lượng thiệt hại, chúng tôi sẽ phân chia số lượng tiền hợp lý để ủng hộ người dân. Chốt xong số lượng tiền, chúng tôi sẽ chuyển tiền về tài khoản ngân hàng mang tên UBND xã. Xã nhận tiền sau đó tiến hành trao cho người dân.
3. Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và chính xác rằng số tiền đó đến tay người dân. Tôi sẽ đưa danh sách ủng hộ mà 2 bên đã chốt lên trang Facebook có tên xã. Trang FB này do tôi quản lý, mỗi xã sẽ có 1 trang riêng. Tại đây, người dân trong xã đều có thể vào kiểm tra xem tên mình có đúng và có được nhận không. Mọi người đều có quyền phản ánh nếu có sai sót.
Còn về phía tôi - người kêu gọi các nhà hảo tâm, vẫn liên tục nhận tiền ủng hộ và minh bạch qua bảng chi tiêu. Trong danh sách có 2 cột thu và chi. Tại cột chi sẽ có những khoản chuyển về các xã. Các nhà hảo tâm chỉ cần bấm vào đó sẽ link về danh sách chi tiết mà bà con nhận."
Với cách làm này, anh Quý khẳng định có thể quản lý được số tiền lên đến trăm tỷ hay nghìn tỷ mà vẫn không thất thoát, lại dễ dàng phát hiện sai phạm từ phản ánh trực tiếp của bà con.
Anh Quý đã thực hiện cách làm này đầu tiên với xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp là ông Phan Xuân Liệu đã cung cấp thông tin về 254 hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau lũ. Mỗi hộ sẽ được nhận 500.000 đồng, tổng 127 triệu.
Sau khi thống nhất với anh Liệu, anh Quý đã đăng 1 bài lên Facebook để các nhà hảo tâm và nhân dân xã Hướng Hiệp cùng biết.
Một ngày sau, không có sự phản ánh xấu nào về ông Liệu, anh Quý đã chuyển khoản số tiền 127 triệu về tài khoản của UBND xã Hướng Hiệp. Ngay sau đó, xã đã rút tiền mặt và trao tận tay cho người dân. Quá trình này đều được quay clip, chụp ảnh và livestream trực tiếp trên Facebook.
Ông Liệu đã thay mặt UBND xã Hướng Hiệp chịu mọi trách nhiệm về số tiền đã nhận. Nếu vì 1 lý do nào đó mà không trao được cho dân, hoặc gian dối, biển thủ bị phát hiện, ông Liệu chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải hoàn trả trong vòng 30 ngày.
Chia sẻ về phương pháp táo bạo này, anh Quý cho biết: “Người dân ban đầu có vẻ không tin tưởng cách làm này, nhưng khi tôi làm việc với xã đầu tiên, họ đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ và ủng hộ rất nhiệt tình. Người dân sẽ được kiểm tra tên mình trong danh sách, được phản ánh tại đây nếu đơn vị địa phương làm không đúng. Cá nhân tôi rất tin vào điều tử tế, tin vào những người dám sống thật tâm với mình, với nhân dân".
Hiện nay, anh Phạm Đình Quý đã kêu gọi được 700.000 triệu đồng, đến với 4 xã, trao hơn 400 triệu. Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, 23/10, anh Quý sẽ đến xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm kêu gọi từ thiện, anh Quý cho rằng ngoài lương thực, quần áo, ủng hộ tiền là một trong những cách ưu việt nhất để người dân tái xây dựng cuộc sống sau thiên tai. Tuy nhiên sở dĩ nhiều đoàn không cứu trợ tiền vì sợ sẽ thất thoát, bị bớt xén. Anh Quý khẳng định, nếu có cách làm minh bạch thì nỗi lo lắng đó không còn nữa.
Khi được hỏi có chia sẻ nào dành cho ca sĩ Thủy Tiên, người đã kêu gọi được 100 tỷ ủng hộ sau một tuần, anh nhận định, Thủy Tiên kêu gọi rất tốt nhưng cần chuẩn bị một phương pháp quản lý hợp lý.
"Tôi hy vọng Thủy Tiên có thể kết hợp với tôi, phương án của tôi là cực kỳ hợp lý lúc này. Hiện vì ngân sách có hạn nên tôi vừa tài trợ vừa kêu gọi, nên mỗi ngày chỉ trao được 1 xã. Nếu số tiền nhiều tới hàng trăm tỷ, thì tăng từ 5 đến 10 xã một ngày, sẽ đến với số đông bà con hơn”, anh Quý trả lời trên tờ Pháp luật và bạn đọc.
Bình luận