Loài chuột mào châu Phi, hay còn có tên gọi khác là Lophiomys imhausi, có ngoại hình trông giống loài chồn hôi nhưng lại sở hữu một loại "vũ khí bí mật chết người". Đó chính là bộ lông sắc nhọn của nó.
Các nhà khoa học cho biết, loài chuột mào này thu thập chất độc bằng cách nhai vỏ cây mũi tên (Acokanthera schimperi) chứa nhiều chất độc cardenolide, và liếm lên trên lông của chúng. Khi bị tấn công, những con chuột này sẽ dựng lông dọc theo lưng để tự vệ. Chất độc trên lông của loài chuột mào châu Phi được đánh giá là cực độc, thậm chí có thể "quật" được cả voi.
Giả thiết là thế, nhưng lý giải về việc loài chuột lan rộng "vũ khí" này ra cả quần thể cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Một nghiên cứu đã diễn ra với 25 con chuột mào Châu Phi để tìm hiểu xem việc bôi chất độc có phổ biến hay không. Sau khi xem lại các đoạn phim theo dõi tự động kéo dài gần 1000 giờ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thu thập độc tố Acokanthera là phổ biến và cuộc sống xã hội của những loài động vật bất thường này rất bí ẩn và khó nắm bắt.
“Chúng tôi đặt 2 con chuột này vào cùng một chuồng, chúng bắt đầu rỉa và chải chuốt lẫn nhau”. Một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Utah cho biết.
Thực tế cho thấy, mặc dù mang trên mình chất độc chết người, loài chuột mào vốn dĩ là loài động vật ăn cỏ hiền lành, chúng hầu như dành thời gian để ăn, chải lông cho nhau hoặc leo trèo dạo chơi.
Chuột mào có nhiều đặc điểm thường thấy ở các loài động vật một vợ một chồng khác như kích thước lớn, tuổi thọ cao, tốc độ sinh sản chậm. Khi được ghép cặp, loài chuột này dành hơn nửa thời gian để chạm vào nhau và liên tục vồ đuôi nhau xung quanh chuồng.
Nhà nghiên cứu cho biết: "Loài chuột mào này được xem là “loài khó hiểu nhất” trong những loài gặm nhấm. Ban đầu chúng tôi muốn xác nhận hành vi hấp thụ độc tố là có thật hay không, và trên đường đi đã phát hiện ra một điều gì đó hoàn toàn chưa biết về hành vi xã hội của loài chuột mào. Phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa bảo tồn đối với loài chuột phức tạp này”.
Bình luận