Bà Vũ Thị Mừng 62 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng kể lại, năm 2015, “tai họa đua nhau” ập xuống gia đình bà khi chồng vừa mất được 7 tháng thì con trai lớn lại mất vì tai nạn ở Bình Dương.
Phải đấu tranh mãi bà mới quyết định ký tên hiến tạng con trai để cứu sống những người khác. Nhưng khi trở về nhà, việc hiến xác con cứu 6 người lại khiến bà đau đớn vì người dân địa phương cho rằng bà đã nhẫn tâm bán nội tạng con để sống.
Bà Mừng đau đớn kể, suốt 3-4 năm đầu người dân xung quang luôn nói bà là người nhẫn tâm không thương con, làm trái với truyền thống chết phải toàn thây, không ma chay cho đủ lễ, làm như thế con sẽ không siêu thoát… Thậm chí có không ít người xa lánh, ghét bỏ bà.
Dù không ít lần bà đã cố giải thích rằng bà làm hoàn toàn không vì tiền bạc mà muốn cái chết của con trở nên có ý nghĩa hơn nhưng càng nói người ta càng không tin. Mãi sau này khi báo đài thông tin về thủ tục hiến tạng, người ta mới tin bà không bán xác con và hiểu hơn việc làm của bà.
Nói về đứa con trai xấu số, bà Mừng ngậm ngùi nhớ lại, khi nghe tin con mất bà đã vội vàng nhờ con trai nhỏ lấy xe máy đưa đến bệnh viện Bình Dương. Nhìn con nằm bất động bà đã xin chuyển con lên bệnh viện Chợ Rẫy với hy vọng có thể cứu được con, nhưng phép màu đã không xảy ra. Quang - con trai bà bị chết não, không thể qua khỏi.
Lúc đó các bác sĩ của đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy đến gặp chia buồn và vận động bà ký tên hiến tạng Quang để cứu sống người khác, giúp cái chết của con trở nên có ý nghĩa hơn, xoa dịu nỗi đau của gia đình.
Ban đầu vì quá đau buồn bà đã không nghĩ ngợi gì, mãi sau khi định thần lại, bà mới bắt đầu suy nghĩ về những điều các bác sĩ nói, đồng thời bà cũng bất giác bà nghĩ đến người thân của các bệnh nhân hiểm nghèo, chờ được ghép tạng, mong được sống và được cứu sống.
Lúc đó bà đã chợt nghĩ, nếu hiến xác Quang, dù con đã mất, nhưng một phần cơ thể của nó sẽ vẫn sống ở đâu đó trên cõi đời này, như vậy con bà sẽ được sống mãi.
Sau đó bà đã thông báo ý định hiến xác con, nhưng trong gia đình có nhiều người không đồng tình với quyết định này của bà. Một thời gian sau, quyết định đầy nhân đạo của bà mới được người thân trong nhà thấu hiểu, cảm thông.
Bà Mừng cho hay, tim, gan của con trai đã vượt hơn 2.000km từ bệnh viện Chợ Rẫy đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cứu sống 2 bệnh nhân.
Hai giác mạc, hai quả thận cũng được cấy ghép cho các bệnh nhân ở TP.HCM và tất cả người nhận đều hồi phục sức khỏe rất nhanh.
Khi nghe tin về tình trạng sức khỏe những bệnh nhân được ghép tạng từ con trai mình, tâm hồn bà bỗng nhiên nhẹ nhõm. Bà cảm thấy vui vì quyết định của mình đã cứu được nhiều người.
Bà Mừng chia sẻ: “Sau khi Quang cho tạng, tôi hỏa thiêu cháu rồi lấy tro cốt về gửi trong chùa. Tôi không thực hiện lễ tang, không mai táng cháu. Tôi luôn nghĩ Quang còn sống và sống trong cơ thể của một người nào đó ở cõi đời này”.
5 năm sau ngày hiến tạng con trai, bà Mừng mới được họ hàng làng xóm nhìn nhận lại khi các hoạt động hiến tạng ngày càng phổ biến hơn và được truyền thông tích cực. 5 năm sống trong hàm oan, bà Mừng cho biết bà chưa từng ân hận ngay cả khi bị chỉ trích, xa lánh. Với bà, làm được điều phước lành chính là cách siêu thoát cho con trai nhanh nhất.
Bình luận