Bát đĩa, đồ nội thất như bàn ghế hay phụ kiện trang trí bằng nhựa có ưu điểm là bền, nhẹ và giá thành rẻ hơn các vật liệu khác. Nhựa không rơi vỡ như thủy tinh hay gốm sứ, không ẩm mốc như gỗ nhưng lại có nhược điểm là dễ trầy xước do hao mòn trong quá trình sử dụng, khiến lớp hoàn thiện bề mặt bị xỉn màu. Có cách nào để khắc phục vấn đề này không? Chuyên mục Nhà Hay sẽ giúp bạn nhé!
Trước khi thực hiện:
Việc loại bỏ các vết xước khi chúng còn mới và mờ luôn dễ dàng hơn một vết xước đã lâu. Trước khi tiến hành các bước dưới đây, bạn cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết xước. Dùng móng tay hoặc cạnh thẻ ATM, thẻ tín dụng để xác định độ sâu vết xước. Nếu móng tay hoặc cạnh thẻ dễ dàng lướt qua vết xước mà không bắt được thì vết xước đó nông và thường có thể được loại bỏ bằng chất mài mòn nhẹ. Tuy nhiên, nếu móng tay của bạn bị dính, vết xước đủ sâu thì phải sử dụng một quy trình xử lý mạnh hơn với giấy nhám micro-grit.
Bạn cần chuẩn bị:
- Kem đánh răng (loại thường, không gel)
- Nước rửa bát
- Cồn y tế
- Baking soda
- Giấm trắng chưng cất
- Hợp chất đánh bóng kim loại hoặc nhựa
- Bông gòn
- Giấy nhám micro-grit.
Hướng dẫn thực hiện:
01. Loại bỏ bụi đất trên bề mặt
Điều quan trọng đầu tiên là phải loại bỏ bụi đất trên bề mặt nội thất để tránh gây thêm vết xước. Rửa chúng trong dung dịch nước ấm pha với vài giọt nước rửa bát rồi dùng miếng bọt biển hoặc khăn mềm chùi rửa. Nếu nội thất không thể ngập trong nước, hãy lau sạch khu vực bị trầy bằng một miếng bông có nhúng cồn y tế để loại bỏ bụi bẩn.
Nếu nhựa có màu đục, hãy thêm ½ cốc giấm trắng chưng cất vào dung dịch nước xà phòng ấm rồi thực hiện chùi rửa để khôi phục lại lớp hoàn thiện ban đầu.
02. Xóa vết xước nhẹ bằng kem đánh răng
Đối với những vết trầy xước nhẹ, bạn cần một chất mài mòn nhẹ nhàng như kem đánh răng. Kem đánh răng có chứa silica giúp loại bỏ vết ố trên răng của chúng ta. Sử dụng công thức không chứa gel và nặn đủ để đắp lên vùng bị trầy xước. Sử dụng một miếng vải cotton khô, chà nhẹ theo các vòng tròn nhỏ để làm mờ vết xước. Rửa sạch bằng nước ấm và kiểm tra lại các vết xước. Bạn có thể phải lặp lại các bước này vài lần trước khi vết xước biến mất.
03. Loại bỏ vết xước nhẹ với hỗn hợp baking soda
Baking soda là một chất mài mòn nhẹ có khả năng làm mờ vết xước trên đồ nhựa. Kết hợp 2 phần baking soda với 1 phần nước để tạo thành hỗn hợp đặc. Nhúng một miếng vải cotton vào hỗn hợp và thoa lên bề mặt bị trầy xước. Thực hiện theo chuyển động tròn để đánh bay vết xước. Rửa sạch và kiểm tra sự thay đổi của bề mặt, lặp lại (nếu cần) cho đến khi vết xước biến mất.
04. Sử dụng giấy nhám Micro-Grit để trị vết xước sâu
Giấy nhám thông thường quá khắc nghiệt đối với nhựa, vì vậy bạn phải sử dụng giấy nhám Micro-Grit. Độ nhám của giấy nhám được gọi là grit, diễn tả các hạt mài mòn có trên bề mặt của giấy nhám. Chúng được bán với giá khá rẻ, từ độ nhám ít cho đến nhiều (360 micro-grit/ 500 micro-grit/ 600 micro-grit/ 800 micro-grit) tùy vào nhu cầu của bạn.
Hãy bắt đầu với giấy nhám micro-grit thấp nhất (360 grit). Ngâm giấy trong bát nước vài phút cho đến khi giấy thấm. Dùng lực đều đặn, nhẹ nhàng, chà xát vùng bị trầy xước theo chuyển động tròn. Sau một vài vòng, rửa sạch nhựa và kiểm tra bề mặt. Nếu vết xước vẫn còn, hãy chuyển sang loại giấy có độ nhám cao hơn. Rửa sạch nội thất sau mỗi lần dùng giấy nhám và tiếp tục chuyển giấy nhám cho đến khi vết xước biến mất. Lưu ý: Chắc chắn rằng giấy nhám được làm ướt trước khi chà xát. Xả lại lần cuối và lau khô nội thất bằng khăn vải mềm.
05. “Tỏa sáng” với hợp chất đánh bóng
Sau khi loại bỏ các vết xước, đặc biệt là những vết xước sâu thì bề mặt khu vực này thường sẽ trông xỉn màu hơn phần còn lại. Để khôi phục độ sáng bóng, hãy sử dụng hợp chất đánh bóng nhựa hoặc kim loại tìm mua trên thị trường. Làm theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn hoặc chấm một ít hợp chất lên một miếng vải khô, sạch và đánh bóng vùng xỉn màu của nhựa theo các vòng tròn nhỏ. Lau bằng vải mềm không xơ bông. Lặp lại cho đến khi độ bóng của nhựa được phục hồi.
Bình luận