Khi nhắc đến các loại mứt xuất hiện trong ngày Tết, bạn sẽ không thể bỏ qua những cái tên quen thuộc như mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt hạt sen… Ít ai biết rằng, ở Huế còn có món mứt sắn, loại mứt được mệnh danh là “mứt nhà nghèo”.
Sắn là một nguyên liệu dân dã và rẻ tiền. Nếu như trước đây, khi kinh tế còn khó khăn, sắn thường được sử dụng cho các bữa ăn hàng ngày thì bây giờ, sắn thường được dùng làm các món ăn chơi như xôi sắn, sắn hấp lá dứa… Thế nhưng bằng sự sáng tạo, người ta còn chế biến thêm món mứt sắn giòn thơm, bùi béo lạ miệng.
Để làm được món mứt sắt, người làm mứt sẽ phải chọn khá tỉ mỉ, trong đó sắn ba trăng được sử dụng nhiều hơn cả. Đây là loại sắn có độ lớn vừa phải, không quá to nhưng khi luộc phải đảm bảo được vị bùi béo và dẻo. Sau khi đã có nguyên liệu, sắn được đem đi gọt vỏ và những phần cứng. Tiếp đó, sắn được cắt thành những khúc ngắn và cho vào hấp cùng lá dứa khoảng 30 phút. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải canh thời gian chuẩn, khi sắn chín vừa phải thì sẽ đem gắp ra luôn và để nguội.
Khi làm mứt sắn, công đoạn vất vả nhất có lẽ là khi chiên sắn. Không chỉ canh bếp liên tục, người làm mứt còn cần đảo sắn sao cho khéo, nếu không sắn sẽ bị cháy hoặc nát không thể làm mứt được nữa. Trước đây, sắn sau khi chín sẽ được mang đi phơi nắng. Sau khi đã khô hết nước thì được đem đặt lên chảo và rang đều. Để miếng sắn không cháy, người làm mứt thường sử dụng cát để rang chung. Về sau, họ chuyển sang dùng dầu ăn để chiên sắn nên sắn sạch hơn và vẫn giữ nguyên độ giòn vốn có.
Khác với nhiều loại mứt như bí, dừa hay gừng… cần ướp đường trước khi sên, bạn sẽ chiên cho mứt sắn vàng đều rồi đem đi ngào đường với tỉ lệ phù hợp. Khi ngào đường làm mứt sắn, người ta sẽ để lửa vừa và cho một chút lá dứa để món ăn có hương thơm hấp dẫn hơn.
Mứt sắn sau khi làm xong vẫn giữ được độ ngọt bùi vốn có, thế nhưng bằng cách làm độc đáo, món ăn này còn giòn thơm hấp dẫn.
Mặc dù hiện nay những món mứt truyền thống đang dần bị lãng quên và thay thế vào đó là những món mứt hiện đại, thế nhưng món “mứt nhà nghèo” này vẫn được một số ít người Huế lưu giữ bị quyết và truyền lại cho thế hệ con cháu.
Bình luận