Tùy vào phong tục cũng như quan niệm của từng vùng miền, mâm lễ cúng ông Táo sẽ có cách trang trí và các thành phần khác nhau, nhưng cơ bản đều sẽ có đĩa ngũ quả, chè ngọt, hương hoa đèn nến, tiền vàng, vàng mã, cá chép và mâm cơm mặn.
Theo quan niệm dân gian, Táo Quân là thần Bếp núc nên mâm lễ cúng nên tiến hành ở khu vực bếp. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, hiểu như vậy đúng nhưng chưa đầy đủ.
Cúng Táo Quân chính xác phải là lễ cúng chung 3 vị thần là: Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp nên việc quan niệm Táo quân chỉ là thần Bếp núc là không chính xác. Táo quân có 2 ông – 1 bà, trong đó hai ông cai quản trong bếp và việc trong nhà, còn bà thì cai quản việc chợ búa.
Trước đây theo lối cũ, có nhiều gia đình đặt bàn thờ nhỏ trong bếp, trên bàn thờ có bài vị và đến ngày 23 tháng Chạp sẽ cúng một mâm cỗ riêng ở bàn thờ này, tách biệt với mâm cỗ trên bàn thờ chính.
Còn hiện nay, việc thờ cúng được đơn giản hóa hơn, dù vẫn nhiều gia đình có cả ban thờ nhỏ và bàn thờ lớn để thờ cúng, nhưng vào những dịp lễ thì chỉ sắp lễ cúng chính tại bàn thờ lớn, lễ cúng ông ông Công ông Táo cũng sẽ thực hiện luôn tại đây chứ không tách làm hai nơi như xưa nữa.
Theo các chuyên gia phong thủy, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà nào có bàn thờ Táo quân riêng (thường đặt trong bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Còn nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên. Cũng theo tục xưa, khi thắp hương Táo quân thì nên lấy 3 nén nhang cắm trong 1 cốc gạo rồi để cạnh mâm cơm cúng.
Hiện nay, việc làm lễ riêng trong Tết ông Công ông Táo dưới bếp đã không còn phổ biến, vì người ta cho rằng không nên cúng lễ ở bếp vì bếp thường không được xem là hơn trang trọng, hàng ngày dùng chế biến thực phẩm hoặc cả giết mổ. Ngoài ra nhiều gia đình không có khu bếp rộng rãi, chật chội cũng gây ra nhiều bất tiện cho việc cúng lễ.
Bình luận