Khi bạn quyết định làm cha mẹ, quyết định ấy sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn. Đó thực ra là một lời cảnh báo, nhưng khi mới kết hôn, tôi cứ ngỡ đó là một lời động viên, đại loại dịch ra rằng: Sẽ có những cảm xúc tuyệt vời, những trải nghiệm đáng nhớ, những niềm vui bất tận đang chờ đón...
Tôi đã dấn thân vào con đường làm cha mẹ với khá nhiều cân nhắc. Ừ thì cơ thể mình đã đủ trưởng thành. Rồi có con sau khi kết hôn cũng là lẽ tự nhiên. Tôi cũng có tích lũy tài chính (mà lạy Chúa trên cao, sau này tôi mới biết nó ít ỏi nhường nào cho việc nuôi dưỡng em bé. Tôi và bạn đời đều muốn có con. Đương nhiên, có một chút động lực đến từ sự thúc giục của cha mẹ hai bên, vì sợ không sinh sớm, chúng tôi sẽ "tịt", "điếc" như rất nhiều cặp đôi đang khao khát tìm con.
Nhưng có một điều đáng lẽ phải thật sự cân nhắc thì tôi đã bỏ qua: Tôi đã thật sự sẵn sàng hay chưa?
Sinh con ra rồi, tôi mới hiểu câu trả lời là chưa.
Với ai đó, có con có thể đem lại niềm hạnh phúc vô vàn. Với tôi, đó là sự đảo lộn khủng khiếp, và tệ hơn, vĩnh viễn không thể đảo ngược. Ngay từ tháng đầu tiên, bên cạnh những lúc yêu con, thương con, hít hà con, tôi vẫn có lúc ước gì tôi chưa làm mẹ.
Tôi không thể chịu được việc bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài để ru rú ở nhà chăm con. Tôi không thể giải mã được tiếng khóc nào là đói, tiếng khóc nào là khó chịu vì tã bẩn, hay đơn giản là mè nheo. Tôi cảm thấy bất lực khi phải chăm sóc một đứa trẻ toàn thời gian.
Cảm giác đó không liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh. Nhiều năm sau khi sinh, tôi vẫn thấy tiếc đời, tiếc rằng mình chưa được trải nghiệm hết cuộc sống son rỗi.
Nếu có cơ hội, tôi muốn trốn khỏi con, trốn những câu hỏi và những trò nghịch phá, trốn việc phải toàn tâm toàn ý giao tiếp với chúng, dành thật nhiều thời gian cho chúng, có trách nhiệm với chúng. Tôi chỉ muốn ai đó chăm sóc chúng giúp mình, để tôi bay nhảy với bạn bè, tự do làm việc mình thích, và khi về nhà chỉ cần ôm ấp hôn hít bọn trẻ đã no bụng, thơm tho và vui vẻ, ôm chúng ngủ là hết ngày.
Đó là khi tôi nhận ra sự thật: Mình quá ích kỷ để có thể thật sự quan tâm đến cảm xúc của một ai khác ngoài bản thân, ngay cả khi đó là con mình. Mình thực sự sợ việc phải chịu trách nhiệm và chăm sóc ai đó, ngoài bản thân mình.
Đó là khi tôi nhận ra: Mình chưa từng được chuẩn bị để làm mẹ, dù đã đọc rất nhiều sách, hỏi han rất nhiều người. Tôi bối rối, thậm chí cảm thấy phiền toái khi phải đáp ứng mọi nhu cầu của những sinh vật bé nhỏ ấy.
Tôi bất lực khi chúng không nghe lời. Tôi phải cầu viện sự hỗ trợ của mọi người để có thể chăm sóc chúng. Nếu để mình tôi với lũ trẻ ở cùng nhau nửa ngày, chúng tôi đều sẽ đói lả (vì chúng sẽ bám rịt lấy tôi đòi chơi trò này trò khác, không có thời gian mà đi chợ hay cơm nước), gào thét nhau khản giọng và nhà cửa thì bề bộn ngập rác. Hoặc tôi sẽ trốn rịt trong toilet, mang theo điện thoại để không phải chơi với con.
Đương nhiên, bất chấp những cảm xúc tiêu cực, tôi không hoàn toàn là một người mẹ tồi. Tôi yêu lũ trẻ của mình. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu có chuyện gì xảy ra với chúng, dù chỉ là một tai nạn nhỏ, tôi sẽ sống ra sao.
Nhưng nếu có thể quay ngược thời gian, tôi vẫn mong mình đừng tạo ra chúng, ít nhất là đến khi tôi thật sự sẵn sàng. Không phải để tôi có tự do và thoải mái, mà vì những đứa trẻ tuyệt vời này xứng đáng có một người mẹ trưởng thành hơn.
Nếu bạn cảm thấy tự tin và hạnh phúc với hành trình làm cha mẹ của mình, chúc mừng bạn. Bằng không, nếu còn một chút lăn tăn, hãy cứ chầm chậm thôi. Chúng ta không nên bắt lũ trẻ chờ đến khi ta già rồi mới chào đón chúng, nhưng nhất định phải đợi đến lúc ta trưởng thành.
Bình luận