Tại đất nước tỷ dân, hiện board game được xem là hình thức giải trí giúp xoa dịu cảm giác trống trải và giải tỏa áp lực công việc.
Trong đó, được ưa chuộng hơn hết là "Ma sói", thậm chí không ít người còn gọi đây là "mạt chược thế hệ mới" có sức gây nghiện rất lớn.
Được biết hơn 20 cửa hàng board game nhỏ hẹp tại quận Gangding, Quảng Châu được tổ chức từ 8 giờ tối và kéo dài tới 2 giờ sáng, luôn trong tình trạng kín chỗ vào mỗi dịp cuối tuần.
Những người này sẽ được lập thành nhiều nhóm nhỏ và hẹn gặp thông qua WeChat. Giới trẻ cho rằng, họ đam mê trò chơi vì nó sẽ giúp người chơi tạm thoát ly cuộc sống tẻ nhạt, mệt mỏi hằng ngày, thậm chí chơi trò này giúp họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Liên quan đến vấn đề này Phó giáo sư Liu Tingting tại ĐH Jinan (Quảng Châu) trả lời Sixth Tone rằng, bình quân người lao động Trung Quốc làm việc ít nhất 10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, thậm chí thường xuyên tăng ca.
Do đó, áp lực công việc, lẫn chuyện cơm áo gạo tiền khiến họ luôn căng thẳng, đây là nguyên nhân họ tìm đến các cửa hàng board game để giải tỏa, tìm lại niềm vui dù phải thức đến 2-3 giờ sáng.
Ngoài việc giải tỏa căng thẳng, được biết nhiều người xem đây là nơi để giao lưu do không có nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè mới, do đó khi chơi game người chơi có thể làm quen, mở rộng vòng bạn bè.
Thậm chí không ít người còn coi đây là dịp tìm kiếm cơ hội hợp tác. Phó giáo sư Liu nói, ông từng gặp 1 người chơi ma sói làm môi giới bất động sản. Anh cho biết, vào năm ngoái đã bán được 3 căn nhà cho khách hàng nhờ các buổi chơi game như vậy.
Bên cạnh đó, phó giáo sư Liu còn tiết lộ một chuyên gia IT từng sử dụng trò chơi này để tuyển dụng nhân sự, bằng cách cô đã quan sát biểu hiện của các ứng viên khi chơi game và chọn ra người sắc sảo, năng nổ, đáng tin để tuyển cho vị trí chuyên viên ở chi nhánh nước ngoài.
Chuyên gia IT này lý giải: "Có nhiều người không thắng cuộc, song họ cho thấy khả năng giao tiếp, thuyết phục và phân tích tình huống xuất sắc. Đó là những tiêu chí chúng tôi tìm kiếm".
Bình luận