Sau chuyến đi từ thiện vào vùng lũ miền Trung, ông Lê Trung Hiếu (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bắt tay vào nghiên cứu ra một mô hình nhà chống lũ mới. Theo đó, căn nhà được thiết kế với phao nổi làm bằng bê tông siêu nhẹ. Nếu chặn bao tải cát và căn nhà thì sẽ chống được bão, chịu được sức gió cấp 9 - cấp 10; còn khi lũ tràn về, bỏ bao cát ra thì nhà sẽ tự nổi trên mặt nước.
Mỗi căn nhà sẽ được ghép bởi 4-6 module, mỗi module kích thước 1,5mx2m, lắp ghép với nhau bằng bulông. Ước tính, mỗi hộ dân vùng lũ trang bị một nhà tự nổi kích thước 3mx4,5m thì sẽ có khả năng chứa 6-8 người cùng 3, 4 tấn hàng hoá.
Phần phao của nhà được làm bằng bê tông siêu nhẹ, neo bằng tời quay tay nên sẽ tự nhả khi nước dâng lên và cuộn lại khi nước xuống. Căn nhà có bền trên 15 năm.
Sau khi lắp ghép, các module sẽ tạo thành một khối, thậm chí còn có cả hầm để chứa đồ tích trữ. Ngoài ra, phần mái của nhà được ghép bởi tôn hình vòm, có độ cao 1,9m, có thể cất trữ đồ đạc. Hành lang có thể để gia súc, gia cầm. Bên trong nhà có bộ phát điện để sinh hoạt.
Đặc biệt, khi không có lũ, người dân có thể tháo rời nhà, tạo thành sân phơi thóc, gieo mạ...
Ông Hiếu cho biết, chi phí để hoàn thiện căn nhà này khoảng 25 triệu đồng/căn.
Hiện ông Hiếu đang sản xuất căn nhà đầu tiên, sau đó sẽ kêu gọi nhiều người tham gia để có thể chung sức giúp bà con vùng lũ.
Ông Hiếu cho hay, ông sẵn sàng cung cấp thiết kế và chuyển giao công nghệ để giúp đỡ bà con vùng lũ chứ không nghiên cứu với mục đích kinh doanh.
Bình luận