Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi. Ông ra đi trong vòng tay con cháu, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh tai biến.
Anh Nguyễn Phan Khoa - con út nhà văn - cho biết lâu nay ông không nói được nên trước lúc lâm chung cũng chẳng dặn dò được điều gì. Được biết, nhà văn mắc bệnh hồi tháng 3/2020, từ đó chỉ nằm trên giường hoặc ngồi dựa, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào vợ, con. Những lúc khỏe, ông có thể chống gậy đi một đoạn ngắn.
Dù bệnh tật là vậy nhưng khi nằm trên giường ông vẫn viết thơ, vẽ tranh cho khuây khỏa, lạc quan sẽ sớm hồi phục. Thế nhưng từ khi vợ qua đời vào cuối năm ngoái, sức khỏe, tinh thần ông sa sút hơn hằn. Ông có hai con trai, con cả Phan Bách là họa sĩ, con út - Phan Khoa - từng là nguyên mẫu để ông sáng tác tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu.
Chia sẻ về sự mất mát này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông rất buồn khi nền văn học nước nhà lại mất đi một cây đại thụ. Ông chia sẻ, vàp thời kỳ 1985-1996, ở mảng truyện ngắn, không ai có thể viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp vì ông có chất văn rất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài.
Ngày 17/3 vừa qua, Nguyễn Huy Thiệp là một trong 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật với hai truyện ngắn Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát.
Trong sự nghiệp 50 năm với hơn 50 truyện ngắn của mình, Tướng về hưu là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của Nguyễn Huy Thiệp được ông chấp bút vào năm 36 tuổi, lần đầu in trên tuần báo Văn Nghệ số ngày 20/6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông viết về đời sống một cách thẳng thắn, trần trụi nhưng ở đó chứa đựng trăn trở với đạo làm người. Được biết, Nguyễn Huy Thiệp quan niệm: "Viết lách là thứ nghề lao động bằng sự cô đơn của mình nên không hề đơn giản. Nghề khó, khổ và tôi vẫn gọi là thất nghiệp. Ngoài ra, viết văn cũng phải nhờ trời cho trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, cũng như là trong tình yêu, thì mới có thể viết được".
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn.
Ngoài truyện ngắn, ông viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...
Bình luận