Vừa qua, thông tin về sách giáo khoa giảng dạy trong chương trình lớp 1 mới đã khiến không ít giáo viên và phụ huynh học sinh bất ngờ. Theo đó, nhiều người phát hiện sách tiếng Việt lớp 1 trong Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) phát hành đã bỏ âm P (Pờ) độc lập ra khỏi danh mục giảng dạy. Thay vào đó chữ (P) sẽ chỉ được dạy khi kết hợp với chữ (H) tạo thành (PH) và được phát âm là "phờ".
Theo đó, vì quá bức xúc khi bộ sách mới không dạy chữ P độc lập, thầy Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó phân tích những sai sót nghiêm trọng của quyết định này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vịnh cho biết chữ P được sử dụng khá nhiều trong cuộc sống như: Sa Pa, Pa Kô, pằng pằng… Ngoài ra, vị nhà giáo này cũng cho rằng, sách giáo khoa, nhất là bộ sách dành cho học sinh tiểu học có mức độ phổ biến tới đông đảo con em của 54 dân tộc anh em chứ không riêng gì người Kinh. Vì vậy việc bỏ chữ P độc lập ra khỏi chương trình giảng dạy có thể khiến học sinh gặp lúng túng khi viết tên riêng của địa danh của địa phương mình như: Pa Vây Sử, Pắc Ta, Pú Đao, Nậm Pì… Thậm chí, theo như chương trình dạy của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhiều học sinh có khi còn khó khăn khi viết tên riêng của bản thân.
>>> Xem thêm: Bài văn chê Tết của học sinh được cô giáo chấm 9 điểm thu hút cộng đồng mạng
Trong khi đó, ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng biên tập kiêm chủ biên sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã có phản hồi về những thắc mắc của giáo viên và phụ huynh khi không dạy chữ P độc lập. Theo ông Bùi Mạnh Hùng, việc sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ "P" là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ trong chương trình tập 1 học sinh được làm quen vói chữ cái này qua những ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập... Còn ở tập 2, các văn bản đọc, sự xuất hiện của những từ có chứa chữ P là không thể kể hết.
Bên cạnh đó, Tổng chủ biên bộ sách cũng cho biết, âm P và âm PH đều được học trong phầm âm khoảng tuần 5 - tuần 6 chương trình học kỳ 1. "Nếu dạy âm "P" riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….; không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì…", ông Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.
Giải thích kỹ hơn về nguyên nhân không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì... để lấy ví dụ khi dạy chữ P độc lập, ông Hùng cho biết: thông thường tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Hơn nữa, học sinh chưa được học âm S trong Sa Pa và vần "ÂM" trong Nậm Pì. "Mới chỉ được học 5 - 6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô... là không phù hợp".
Sự việc hiện vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Bình luận