An Thủy là 1 trong 5 xã ngập sâu nhất huyện Lệ Thủy, đồng thời là vùng ngập sâu nhất Quảng Bình. Đỉnh lũ được lập vào ngày 18/10, vượt mức kỷ lục năm 1979. Lũ lên đột ngột từ chiều tối đến đêm khiến nhiều người dân bị động, không kịp xoay sở và mắc kẹt trong dòng nước lũ mênh mông. Nhiều nhà ngập tận nóc, không còn nơi trú ngụ.
Trước tình cảnh ấy, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, đã đích thân đầm mình trong dòng nước lũ để đi cứu trợ người dân, đồng thời ông còn dùng nhà của mình cho những người gặp khó khăn tạm trú.
Thông tin này vừa được chia sẻ lên mạng xã hội bởi một tài khoản nhận là người dân Lệ Thủy. Người đăng bài cho biết, ông Quyết cùng với các cán bộ xã dùng đò nhỏ cứu được hơn 100 người trong những ngày lũ nhấn chìm cả xã trong biển nước.
Suốt 4 ngày ngập sâu, ông Quyết gần như không được ngủ, cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn chạy như con thoi giữa biển lũ từ sáng sớm đến đêm khuya. Khi thì đi giải cứu người mắc kẹt, khi thì chở sản phụ đi sinh nở, khi lại tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho bà con.
Không sợ gian khó, nguy hiểm tính mạng, ông Quyết thường xuyên đầm mình trong dòng nước, bơi tiếp cận hộ dân rồi cõng người gặp nạn lên thuyền đi sơ tán.
Có lúc cứu người đến mệt nhoài, ông Quyết nhờ y tế xã đến tiêm thuốc cho hồi sức rồi lại tiếp tục công việc giải cứu.
Suốt 1 tuần qua, nhà ông Quyết là nơi tá túc của 33 người dân gặp nạn trong xã. Vợ ông ở nhà lo cơm nước cho bà con.
Hiện tại, ông Quyết vẫn chưa về nhà dọn lũ mà còn đang làm công việc cứu tế hậu lũ. Vừa lo phân phát thực phẩm, nhu yếu phẩm cho từng hộ gia đình, ông Quyết vừa phải đi kiểm tra từng hộ dân, xem xét các hộ có nguy cơ cao để động viên vận chuyển đồ đạc, sơ tán tới nơi an toàn trước khi cơn bão số 8 Saudel ập đến.
Đợt lũ lịch sử vừa qua, không chỉ người dân khốn đốn vật lộn với bão lũ, các cán bộ chính quyền địa phương, bộ đội, công an trong lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng vô cùng vất vả. Họ gần như không có ngày nào được nghỉ ngơi. Nhiều người trong số họ đã hy sinh khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ, trong đó có 13 cán bộ chiến sỹ hy sinh ở Trạm kiểm lâm sông Bồ, Thừa Thiên Huế, 22 chiến sỹ Sư đoàn 337 hy sinh ở Hướng Hóa, Quảng Trị.
Bình luận