Sản phụ trở dạ giữa đêm 17/10, được ca nô cứu trợ vượt lũ đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy trong tình cảnh cả bệnh viện lụt hết tầng 1, mất điện, mất nước. Sản phụ khi đó vô cùng đau đớn, một tay bám thành ca nô, một tay ôm bụng vật vã, toàn thân ướt sũng. Thế nhưng, lòng nhiệt thành cứu người của các y bác sĩ trong bệnh viện đã giúp chị mẹ tròn con vuông.
Bác sĩ Lê Thị Trâm, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, nói chắc sẽ không bao giờ quên những ngày đỡ đẻ trong nước lụt lớn chưa từng thấy đó.
Huyện Lệ Thủy là địa phương ngập nặng nhất tỉnh Quảng Bình. Riêng bệnh viện huyện ngập sâu hơn một mét, khiến 200 bệnh nhân và người nhà cùng 50 nhân viên y tế bị mắc kẹt, phải di tản lên tầng hai, tầng ba tránh lũ.
Khoa sản ở tầng một ngập sâu trong nước, mọi máy móc thiết bị cùng bà bầu, bà đẻ đã được dời lên tầng trên. Khi sản phụ được đưa đến, các y bác sĩ phải sát trùng toàn bộ dụng cụ, dao kéo bằng cồn thay vì hấp điện như trước đây.
Điện không có, bác sĩ Trâm lệnh cho các nữ hộ sinh bật đèn pin lên, soi vào khu vực bàn đẻ. Sở dĩ không thể dùng máy phát điện lúc này là vì cần ưu tiên máy phát cho những ca mổ, đòi hỏi ánh sáng mạnh hơn. Dù rất lo lắng, bác sĩ Trâm vẫn cố giữ vững tinh thần, nắm lấy tay sản phụ động viên: "Chị bình tĩnh, hít một hơi thật sâu nhé. Hơi tối một chút nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đâu".
Bác sĩ Trâm nhớ lại: "Đỡ đẻ trong không gian thiếu ánh sáng, nhiều lúc không nhìn thấy mặt đồng nghiệp nhưng chưa bao giờ tôi tỉnh táo hơn lúc đó".
Giữa đêm mưa lũ, cả bệnh viện chìm trong màu đen, riêng phòng sinh vẫn le lói ánh sáng đủ để đón em bé chào đời. Ca sinh thuận lợi, bé gái nặng 3,3kg, là em bé đầu tiên chào đời trong ngày bệnh viện bị cô lập bởi mưa lũ.
Bác sĩ Trâm chia sẻ, vụ đỡ đẻ bất đắc dĩ dưới ánh đèn pin này mở đầu cho hơn 20 ca khác diễn ra trong 1 tuần ngập lụt. Cả hơn 20 bé và các sản phụ đều mẹ tròn con vuông. Trong số đó có cả các ca mổ đẻ.
Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy bị cô lập từ ngày 17/10. Các khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Y học cổ truyền, Dinh dưỡng, Sản, Kho dược đều bị lũ nhấn chìm, các xe cứu thương ngập quá nửa, nằm im lìm trong nước lũ.
Người đã khỏi bệnh không thể về nhà, người bị bệnh đến khám hoặc sản phụ đợi ngày sinh con đi cùng người nhà vào viện ngày càng đông dẫn đến tình trạng quá tải còn các cán bộ, y bác sĩ túc trực liên tục 6 ngày qua chưa có người thay thế do mọi nẻo đường đến bệnh viện đều bị ngập sâu, chia cắt.
Bình luận