Theo bản tin 6h ngày 13/3 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Việt Nam hiện vẫn có 2.550 bệnh nhân và đã chữa khỏi 2.086 trường hợp.
Như vậy trong vòng 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 17 ca nhiễm gồm 13 nhập cảnh và 4 ca cộng đồng. Số ca nhiễm cộng đồng ghi nhận ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (715), Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca.
Tổng số ca nhiễm tính từ đầu mùa dịch đến nay là 2.550. Hôm nay có thêm 38 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số khỏi lên 2.086. Số tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 48 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 48 người âm tính lần hai và 91 người âm tính lần ba.
Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Covid-19. Tính đến nay, khoảng 1.600 người đã được tiêm. Vài trường hợp phản vệ độ 2 được xử lý kịp thời, sức khỏe đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng sau tiêm thông thường.
Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh thành, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19.
Hiện tượng đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca cũng được ghi nhận tại một số quốc gia ở châu Âu. Đến nay, 9 nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland... thông báo tạm dừng hoặc cấm tiêm một lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca để điều tra các trường hợp bị đông máu sau tiêm.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu ở người sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca, nên vẫn triển khai như kế hoạch.
Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu để xây dựng cơ chế phù hợp với hộ chiếu vaccine. Trước mắt, Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng lớn sẽ tăng cường xây dựng, cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật liên quan dến "visa vaccine" trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4/2021.
Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia không nên chỉ dựa vào các chương trình tiêm chủng và từ bỏ những biện pháp y tế cộng đồng cơ bản là nền tảng để đối phó với đại dịch.
Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thế giới ghi nhận hơn 2,6 triệu người chết vì Covid-19 trong hơn 119 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.
Bình luận