Hai năm trước, cô bé "tí hon" Q.H.V (ở huyện Hưng Hà, Thái Bình) đã 9 tuổi nhưng giống như một em bé 2 tuổi khi chỉ cao vỏn vẹn 79cm, nặng 9kg. Sau gần 2 năm điều trị tại Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi trung ương) bé V đã "lớn nhanh như thổi". Hiện bé cao 108cm, tăng 29cm và nặng 19kg.
Chị Q.T.T - mẹ của bé gái cho biết, khi sinh ra V. được 2,8kg và khi lên 5 tháng tuổi thì lên được 5kg. Tuy nhiên từ đó cho đến khi 9 tháng tuổi, bé không hề tăng cân chút nào. Thấy có điều gì không ổn, chị T. đưa con đi khám thì bác sĩ kết luận con bị suy dinh dưỡng. Sau 6 tháng nữa nếu vẫn không tăng cân thì đi khám lại.
Rồi 6 tháng sau đi khám lại, kiểm tra tim và gan đều không có vấn đề gì, bác sĩ còn trêu "Bé là người chim lên không lớn được". Đằng đẵng 3 năm liền chị T. cho con uống thuốc, sữa theo đơn cho trẻ suy dinh dưỡng thì bé tăng lên được đúng 2 lạng, chị T. kể lại.
Do cơ thể không phát triển vẫn cứ mãi như trẻ 2 tuổi khiến bé V. không thể tự làm những công việc vệ sinh cá nhân, đi đâu cũng phải bế. Lên 5 tuổi, chị xin cho con đi mẫu giáo mong con có thể hòa đồng với bạn bè. Khi con đi học, chị vẫn mang theo bỉm mang đến lớp để nhờ các cô giáo thay hộ.
Đến năm 2019, chị T. xin mãi nhà trường mới đồng ý cho cô bé "tí hon" đi học lớp 1 để học cùng em trai. Chẳng mong con biết chữ, biết đọc mà người mẹ ấy chỉ cần con vui vẻ, hòa đồng với các bạn. Thấy con đi học về mà người xước xác là chị thấy vui vì con có chơi với các bạn.
Nghĩ thương con cứ mãi bé xíu, năm 2019, chị lại đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để khám. Lần này con được chuyển lên khám nội tiết.
TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, thời điểm khám bé V. được 9 tuổi 5 tháng nhưng chỉ dài 79cm, nằm gọn trong kích thước của trẻ 2 tuổi và chỉ nặng 9kg. Kết quả chụp cắt lớp MRI cho thấy tuyến yên nhỏ, xương chỉ tương đương trẻ 20 tháng.
Bé V. được chuẩn đoán bị suy tuyến yên, chỉ định bằng thuốc hormone tăng trưởng. Sau 12 tháng bé đã tăng được 18cm và sau 19 tháng tăng 29cm. Hiện bé V. đã cao 108cm, nặng 19kg và có sự khác biệt rất lớn sau 2 năm điều trị.
Điều trị hormone tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương được tiến hành từ năm 2005. Tính đến nay đã có 900 trẻ đang điều trị hormone tăng trưởng tại bệnh viện với kết quả điều trị tương đối tốt. Năm đầu tiên trung bình trẻ sẽ tăng từ 10 - 12cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 - 9cm và đến các năm sau đó tăng trung bình 6cm.
Bác sĩ Dũng cũng đưa ra khuyến cáo, bố mẹ cần theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng. Từ đó, giúp bố mẹ nhận biết được chiều cao và tăng trưởng của các con có bình thường hay không. Ở bất kỳ thời điểm nào thấy con phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường, tốc độ tăng trưởng chậm thì nên đưa các con đi khám để chuẩn đoán và xác định nguyên nhân.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng nhấn mạnh việc các bậc phụ huynh cho con sử dụng các loại thuốc tăng trưởng bán ngoài thị trường là không nên. Các sản phẩm này là thuốc kích thích, bài tiết hormone, ông đã trao đổi với các đồng nghiệp ở Nhật và họ nói không có bằng chứng khoa học nào để chứng minh thuốc tăng trưởng giúp tăng chiều cao. Những sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng. Do đó, cần điều trị cho trẻ theo đúng nguyên nhân gây ra bệnh chứ không phải tìm thuốc tăng chiều cao cho trẻ sử dụng.
Bình luận