Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trên thế giới, với trung bình hơn 80.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đất nước này cũng đã có tổng cộng 71.000 người đã tử vong. Theo các chuyên gia con số này vẫn chưa được thống kê hết.
Sau 6 tháng kể từ lúc WHO công bố đại dịch toàn cầu, trong khi tình hình dịch bệnh ở các quốc gia phát triển đang dần được kiểm soát thì virus nCoV đang tấn công mạnh mẽ vào những vùng kém phát triển của Ấn Độ, nơi có 70% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sinh sống.
Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Chuyên gia dự báo, ngày Ấn Độ vượt Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất không còn xa. Đây chính là ví dụ tiêu biểu về điều gì có thể xảy ra một khi virus lây lan ở những vùng nghèo và đông dân cư.
Ở thời điểm Ấn Độ có khoảng 500 ca nhiễm chủ yếu tại các thành phố lớn vào tháng 3, lệnh phong tỏa đã được ban hành để chặn đứng virus, hoặc ít nhất là ngăn không cho virus lây lan ở những vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các quy định giãn cách xã hội lại rất khó áp dụng tại những khu ổ chuột. Trong khi đây chính là nơi lý tưởng để mầm bệnh lây lan trước khi nhân viên y tế biết đến.
Mặc dù Ấn Độ đã mua được nhiều máy thở, xây bệnh viện dã chiến, thậm chí biến những toa tàu thành nơi cách ly tạm thời, các bệnh viện ở Mumbai và New Delhi vẫn quá tải. Rất nhiều bệnh nhân bị từ chối vì không còn giường bệnh. Xác chết la liệt ở hành lang.
Không như Mỹ và Châu Âu, Ấn Độ không có nhiều nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế. Tình trạng người dân tuyệt vọng phải đi xin ăn là điều đang diễn ra tại đất nước này.
Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hàng triệu người từ nông thôn lên thành phố để làm công nhân trong nhà máy, bán hàng rong hay đánh giày trên phố. Nhiều người không có chỗ để ngủ và không có đồ ăn vì mất việc.
Họ buộc phải trở về quê bằng cách đi bộ vì tàu hỏa và xe khách dừng hoạt động. Vô tình, chính những người này góp phần mang virus về vùng nông thôn.
Đầu tháng 6, nhà chức trách Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt lệnh phong tỏa dù số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Làn sóng di cư về quê càng mạnh hơn và khiến tình hình tồi tệ hơn rất nhiều.
Ngành y tế của Ấn Độ có quy mô lớn và khá phát triển, nhưng chủ yếu là các bệnh viện tư phục vụ người giàu ở thành phố. Tại vùng nông thôn, hệ thống y tế rất kém phát triển.
Điều đáng nói là, đối với Ấn Độ, Covid-19 chỉ là một trong rất nhiều loại bệnh có thể khiến người dân ở nông thôn Ấn Độ thiệt mạng. Năm ngoái, Ấn Độ có khoảng 79.000 người chết vì lao, căn bệnh không còn phổ biến ở nước phát triển. Bên cạnh đó, cứ mỗi 20 phút lại có 1 phụ nữ Ấn Độ thiệt mạng vì sinh con.
Với người dân thường Ấn Độ lúc này, nỗi lo sợ nghèo đói đang bắt đầu lớn hơn cả nỗi sợ Covid-19. Lệnh phong tỏa và cú lao dốc của nền kinh tế khiến các hộ gia đình nghèo khó đi vào ngõ cụt vì vừa mất đi nguồn thu nhập từ các lao động di cư, vừa phải nuôi thêm miệng ăn.
Bình luận