Vào tối ngày 20/1, giải thưởng trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ toàn cầu VinFuture đã chính thức tổ chức với tổng giải thưởng lên đến hơn 4,5 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng). Bên cạnh những gương mặt danh dự lên nhận giải, dân mạng cũng chú ý đến dàn Ban Giám khảo đình đám của VinFuture. Họ đều là các nhà khoa học, nhà lãnh đạo uy tín của các tổ chức giáo dục nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu trên thế giới, với những thành tựu được ghi nhận toàn cầu. Một trong số đó không thể không nhắc đến nữ Giáo sư Nguyễn Thục Quyên.
>> Xem thêm: 3 nhà khoa học công nghệ mRNA được vinh danh tại VinFuture, nhận giải thưởng 3 triệu USD
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1970 tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Bà lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em. Từ nhỏ, bà đã phải làm lụng vất vả để phụ giúp gia đình, đến năm 16 tuổi mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.
Năm 1991, gia đình Nguyễn Thục Quyên sang Mỹ định cư và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khó nhất là việc học tập của chị em bà khi không ai biết Tiếng Anh, thậm chí Thục Quyên từng bị bạn bè trên lớp chê cười vì khả nặng hạn hẹp ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, chính những điều đó càng làm bà có thêm động lực vươn lên. Để học tiếng Anh thật nhanh, nữ giáo sư đăng ký học miễn phí cùng lúc 3 trường trung học tại 3 thành phố với thời khoá biểu kín cả ngày.
Từng bị từ chối học tại Đại học Santa Monica vì tiếng Anh chưa tốt, Nguyễn Thục Quyên đã chủ động xin nhà trường thử thách một kỳ học và nỗ lực học thêm Tiếng Anh. Sau một năm, bà chính thức được nhận vào học đúng như cam kết. Năm 1995, Nguyễn Thục Quyên chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA) và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa cốc chén. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu hình thành từ đó.
>> Xem thêm: Vingroup công bố Giải thưởng toàn cầu VinFuture
Sau khi tốt nghiệp bằng đại học Hóa năm 1997, Nguyễn Thục Quyên học lên cao học. Chỉ trong vòng một năm, bà đã có bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa và quyết định học lên tiến sĩ. Sự cố gắng đã không phụ lòng bà khi cuối năm bà được tôn vinh là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia được trao học bổng.
Năm 2001, bà Thục Quyên tốt nghiệp bằng Tiến sĩ trước thời hạn và đạt giải thưởng xuất sắc ngành Lý - Hóa. 3 tháng sau, Thục Quyên nhận được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York và sau đó là Đại học California, Santa Barbara.
Hơn 11 năm công tác tại Đại học California, Santa Barbara, Nguyễn Thục Quyên đã dành khoảng thời gian 15 tiếng làm việc mỗi ngày. Không chỉ giảng dạy, bà còn làm nhiều công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xin tiền dự án nghiên cứu trả lương, học phí, và bảo hiểm y tế cho sinh viên (tốn khoảng 100.000 đô mỗi năm/ nghiên cứu sinh), hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu và viết bài đăng báo, làm trong ban xét lên lương và lên chức cho tất cả giáo sư trong trường, ban tuyển dụng giáo sư...
Dù gắn bó ở nước ngoài đã lâu nhưng nữ giáo sư vẫn nhớ và thường xuyên về Việt Nam thăm gia đình và tham gia các hội nghị khoa học.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đến với Giải thưởng VinFuture với cương vị Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture. Bà cho biết: "Tôi mong muốn có những phát kiến khoa học mang được tác động, tiếp cận với những người nghèo".
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ (KHCN) hằng năm có giá trị lớn trên thế giới, được ra mắt tháng 12/2020 và được trao bởi Quỹ VinFuture. Quỹ này do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân - bà Phạm Thu Hương - đồng sáng lập.
Một số hình ảnh của GS Nguyễn Thục Quyên:
Bình luận