Gần đây trên mạng xã hội facebook truyền nhau về một số phương pháp lạ thường, “dùng chanh cải thiện chiều cao cho trẻ”. Theo tài khoản có tên L.P., khi trẻ đang ngủ, chỉ cần đặt hai quả chanh lên gối, một thời gian sau trẻ sẽ có trí nhớ và tăng trưởng chiều cao rõ rệt. Người này giải thích, do hương chanh tiết ra chất ức chế quá trình bài tiết hormone kích thích nên trẻ sẽ ngủ ngon hơn, từ đó chiều cao và trí não cũng được cải thiện.
Một tài khoản khác tên N.P.T. cũng chia sẻ về cách cải thiện chiều cao và sức khoẻ của con khá lạ lùng. Để cải thiện sức khoẻ cho gia đình, chị T. thường xuyên cho cả nhà uống nước chanh. Theo chị, chỉ cần thấy trong người mệt mỏi, uống nước chanh hay vitamin C vào sẽ “tăng lực” ngay. Ngày nào nhà chị cũng uống, thậm chí còn mua cả vitaminC bên ngoài về uống với liều lượng khoảng từ 2.000 – 4.000mg/ngày. “Trẻ con uống vào ngoài việc tăng trưởng chiều cao còn có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, phòng chống bệnh tật”, chị T. khẳng định.
Dùng chanh liều cao dễ bị loét dạ dày và tác dụng không mong muốn
Trước thông tin trên, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, cả 2 phương pháp dùng chanh tăng trưởng chiều cao trên đều không có căn cứ khoa học. Thậm chí, phương pháp dùng vitamin C bừa bãi như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khoẻ.
Về dinh dưỡng, vitamin C hay nhiều loại dinh dưỡng, khoáng chất khác đều rất cần cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nhưng mỗi loại chỉ nên dùng ở ngưỡng hợp lý chứ không phải bổ sung “vô tội vạ” như các bà mẹ nêu trên.
Việc bổ sung từ 2.000-4.000mg vitamin C một ngày sẽ dẫn tới nguy cơ thừa vitamin C. Thói quen này dễ gây ra các tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hoá, loét dạ dày, tá tràng, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận, gout, giảm độ bền hồng cầu và cản trở hấp thụ vitamin A, B12.
“Tôi thấy không ít bố mẹ có kiến thức về nhiều mặt, nhưng lại không có kiến thức về dinh dưỡng. Chẳng có cơ sở khoa học nào cho việc tăng trưởng chiều cao bằng việc cho ngửi chanh hay uống vitamin C bừa bãi như vậy. Cách làm này là phản khoa học, thậm chí làm ảnh hưởng tới việc phát triển chiều cao của con chứ chưa nói có tăng được hay không”, BS Hưng nói.
Cẩn trọng với các phương pháp… truyền miệng
Chuyên gia dinh dưỡng cũng khẳng định, việc áp dụng những phương pháp truyền miệng như để chanh lên gối con khi ngủ, hay cho con uống nước chanh, vitamin C liều cao sẽ vô tình làm chậm quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Dinh dưỡng là quá trình, được thực hiện và bổ sung theo đúng trình tự khoa học. Nghĩa là nếu muốn biết con thiếu chất gì, cần bổ sung vitamin gì để tăng trưởng chiều cao cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
Chiều cao có thể tăng trưởng ở 3 giai đoạn, giai đoạn bào thai, giai đoạn 0–3 tuổi và giai đoạn tuổi dậy thì.. Trong đó, quan trọng nhất là giai đoạn “1.000 ngày vàng”, tức là ngay từ thời điểm mang thai 9 tháng 10 ngày và 2 năm đầu đời của trẻ, mẹ phải quan tâm tới vấn đề tăng trưởng chiều cao của trẻ. Giai đoạn tiếp theo là tiền dậy thì. Sau giai đoạn dậy thì chiều cao sẽ hầu như không tăng trưởng thêm.
Chiều cao của trẻ và giai đoạn 1.000 ngày vàng
Trẻ em ở giai đoạn “1.000 ngày vàng” thường phát triển rất nhanh, cả về chiều cao, cân nặng và trí não. Thời điểm này người mẹ cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cân đầy đủ, đi khám thai định kỳ, nếu thiếu dưỡng chất, vitamin gì sẽ được tư vấn bổ sung thêm cho thai nhi.
Sau khi sinh xong, người mẹ được khuyến cáo cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng, trẻ sẽ được ăn dặm, nhưng mẹ vẫn phải tiếp tục cho con bú sữa mẹ tới 24 tháng hoặc lâu hơn. Khi trẻ ăn dặm, cha mẹ cố gắng cho con ăn đúng số lượng và chất lượng bữa ăn theo khuyến cáo của bác sĩ.
“Chẳng may trẻ bị ốm thì nên cho con đi khám sớm. Ngoài ra cũng cần chú ý tiêm chủng cho con đầy đủ định kỳ cũng như cho con đi khám sức khoẻ, vi chất dinh dưỡng để kịp thời bổ sung, đúng phương pháp vitamin khi cần”, BS Hưng nhấn mạnh.
Theo BS Hưng, để trẻ phát triển chiều cao tốt nhất, người mẹ cần theo dõi bắt đầu từ quá trình còn là thai nhi trong bụng cho tới khi ra đời. Quá trình theo dõi, ngoài việc thăm khám định kỳ, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.
“Trẻ em là lứa tuổi rất nhạy cảm. Vì vậy, mọi phương pháp đều cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh làm hại tới sức khoẻ của con. Cha mẹ không nên tin tưởng vào những lời đồn thổi trên mạng không có căn cứ. Như vậy sẽ làm lỡ đi thời điểm vàng để con phát triển cả về chiều cao, cân nặng và trí não”, BS Hưng khuyến cáo
Bình luận