Cụ thể, vào tối ngày 8/10, trong chương trình Dân hỏi thành phố trả lời, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sau 8 ngày nới lỏng nhiều hoạt động, thành phố đang từng bước phát triển lại kinh tế nhưng hiện "không thể tiêu diệt ngay virus".
Để mọi hoạt động diễn ra trong tình hình mới 1 cách an toàn nhất, thành phố đã có những bước chuẩn bị, như để doanh nghiệp hoạt động sau ngày 1-10, TP đã tập trung vắc xin cho các khu công nghiệp với tỉ lệ tiêm 2 mũi cao, đồng thời các chuỗi cung ứng đa số cũng đã tiêm đầy đủ mũi 2. Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP, khoảng 70% nhóm người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2, và về cơ bản đã đủ điều kiện để có thể hoạt động trở lại.
"Từ nay đến 15/10, nếu tình hình dịch bệnh ổn định thì thành phố sẽ tính toán mở thêm những bước gì tiếp theo để không còn phải nói "bình thường mới" mà là bình thường" - bà Thắng chia sẻ trong chương trình.
>>> Xem thêm: Từ 8/9, TP.HCM cho phép hàng quán ăn uống mở lại nhưng chỉ bán mang về
Trước thắc mắc của các doanh nghiệp về kế hoạch hỗ trợ của TP cho những đơn vị đang gặp khó, bà Thắng thông tin, các doanh nghiệp phản ánh tại Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ, giảm nợ, giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ...
Vì để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thành phố đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các thông tư 01, 03 và 14, trong đó chủ yếu tập trung vào các hạng mục giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn là chính.
Riêng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tiếp cận vốn thì liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn để đăng ký nhu cầu.
>>> Có thể bạn quan tâm: Người lao động nghỉ việc do Covid-19 được hưởng cả gói 38 ngàn tỷ lẫn BHTN
Đối với ý kiến của các đại diện doanh nghiệp rằng, hiện nay chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động quá cao, mong muốn thành phố có giải pháp để giảm bớt chi phí xét nghiệm hay không, bà Thắng thừa nhận các cấp lãnh đạo TP rất hiểu nỗi khổ này của các đơn vị và rất chia sẻ nhưng trước mắt thành phố cũng đang rất khó khăn, do đó “thành phố không thể bao cấp cho doanh nghiệp được nữa”.
Chính vì vậy, dựa vào tình hình thực tế, doanh nghiệp phải tự chủ động, sắp xếp. Trong thời gian tới, những chi phí phòng chống dịch mà doanh nghiệp bỏ ra rất có khả năng “sẽ được hạch toán vào chi phí”, bà Thắng thông tin.
Bình luận