Cuối tháng 12/2006, lăng mộ được tìm thấy khi một vài người dân ở thị trấn Thủy Khẩu, huyện Tĩnh An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, dùng thuốc nổ phá đá để xây dựng một đoạn đường cao tốc.
Khi tiếng nổ vang lên, dấu hiệu của âm thanh không đều khiến người dân cho rằng dưới lòng đất có khoang trống bất thường. Sau đó họ tìm thấy hố sâu khoảng 13m, bên trong là ngôi mộ cổ kèm nhiều cổ vật.
Cục Di sản văn hóa Quốc gia cùng đội khảo cổ có mặt tại hiện trường và nhận định đây là lăng mộ được xây dựng từ 2.500 năm trước với kích thước 160m2. Ngôi mộ này có nhiều di vật quý giá và có tới 46 cỗ quan tài giống hệt nhau.
Phát hiện ra ngôi mộ này là một phát hiện khảo cổ chấn động. Điều kinh ngạc nhất là 46 thi thể còn được bao phủ bởi những lớp tinh thể phát ánh sáng xanh lục. Tinh thể đó trong suốt như ngọc lục bảo và viên lớn nhất dài 8.5 cm. Các chuyên gia có mặt tại hiện trường thời đó đã đánh giá đây là hiện tượng kỳ lạ và nhanh chóng lấy mẫu vật để tìm lời giải thích cho điều này.
Sau khi kiểm tra, đội khảo cổ xác nhận đây là hài cốt của những thiếu nữ có tuổi đời từ 16 đến 20, khi chôn cất không được mặc y phục.
Còn hợp chất đã tạo nên tinh thể phát quang trong quan tài được công bố là Ferric phosphate (FePO4) và một vài chất huỳnh quang chưa xác định. Điều này lại dấy lên câu hỏi rằng tại sao hợp chất kỳ lạ này lại có mặt trong quan tài. Từ đó nhiều người đưa ra giả thuyết về cái chết.
Căn cứ vào thời kỳ xây dựng cùng vị trí địa lý, các chuyên gia cho rằng đây có thể là nơi an nghỉ của Chương Vũ, vua nước Từ, một nước chư hầu nhỏ tồn tại từ thời Hạ đến thời Tây Chu. Chương Vũ là vị vua cuối cùng của nước Từ, trước khi quốc gia này bị tiêu diệt bởi nước Ngô vào năm 512 TCN.
Phán đoán qua số lượng thi thể, tình trạng chôn cất và tuổi đời còn rất trẻ của những cô gái trong lăng mộ Chương Vũ, có thể xác định những thiếu nữ này không chết tự nhiên mà bị ép chết do hủ tục tuẫn táng theo vua.
Tới đây, một số chuyên gia tiếp tục đưa ra giả thuyết cho rằng chủ nhân lăng mộ đã tẩm độc vào những quả dưa hấu rồi mời các thiếu nữ này ăn để họ trúng độc chết.
Chất độc bên trong thi thể suốt 2.500 năm bị chuyển hóa, trở thành chất phát quang như khi được khai quật.
Tuy vậy, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh cụ thể bằng nghiên cứu khoa học nên hiện tượng thi thể phát quang trên vẫn là một câu hỏi lớn với giới khảo cổ.
Đến cuối năm 2007, hơn 650 di vật văn hóa như đồ dệt, đồ vàng, đồ sơn mài, đồ đồng và đồ ngọc đã được khai quật từ lăng mộ này.
Bình luận