Phụ nữ có học vấn cao hối hận vì chọn ở nhà làm nội trợ

IG Đăng lúc: Thứ hai, 02/11/2020 09:36 (GMT +7)
Nhiều phụ nữ có học vấn cao tại Trung Quốc chọn ở nhà nội trợ với suy nghĩ có nhiều thời gian hơn cho giáo dục con cái, nhưng họ đã hối hận.

Theo South China Morning Post, nhiều phụ nữ có học vấn cao đã gặp khó khăn khi quyết định nghỉ làm và trở thành nội trợ.

Khi Cai Ning chuyển từ Bỉ về Trung Quốc cùng gia đình cách đây 5 năm, cô không ngờ cuộc sống của một bà nội trợ toàn thời gian ở quê nhà lại vất vả đến vậy. Người phụ nữ 38 tuổi đã dành phần lớn thời gian cho việc nhà và chăm sóc hai con trai ở thành phố Nam Kinh, trong khi đó, cô thường xuyên nhận được những bình luận về việc mọi người tiếc cho cô khi có bằng tiến sĩ mà bỏ phí hoặc “Chồng bạn chắc phải kiếm được nhiều tiền lắm".

Phụ nữ làm việc nhà dù xuất sắc đến đâu, dạy dỗ con cái giỏi giang thế nào, vẫn không được coi trọng. Ở Bỉ, các bà mẹ có bằng cấp cao và làm việc nhà là điều phổ biến. Thế nhưng, ở Trung Quốc, một đất nước từng đề cao vai trò phụ nữ trong gia đình, giờ lại kỳ thị những người phụ nữ ở nhà chăm con. Thông thường, xã hội sẽ nhìn nhận phụ nữ ở nhà nội trợ là tuýp kém cỏi, không thành công trong xã hội. Một phụ nữ có bằng cấp, giỏi giang sẽ đi làm kiếm tiền như chồng và ông, bà là người đảm nhận chăm sóc các cháu.

Cai Ning chia sẻ: “Những người phụ nữ lớn tuổi và các bà mẹ đi làm mà tôi gặp khi đưa con trai ra ngoài thường ngạc nhiên và hỏi: 'Thế cả ngày cô sẽ làm gì?". Câu hỏi khiến cô cảm thấy bị xúc phạm, bởi công việc 1 ngày của cô thường bắt đầu lúc 6g sáng và chỉ kết thúc sau 11g đêm.

Trung Quốc: Phụ nữ có học vấn cao khổ sở vì ở nhà làm nội trợ. Ảnh: Handout.
Trung Quốc: Phụ nữ có học vấn cao khổ sở vì ở nhà làm nội trợ. Ảnh: Handout.

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc có học vấn cao trở thành những bà nội trợ khi sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt khiến cuộc sống bận rộn hơn. Khi thu nhập của người chồng đủ nuôi gia đình, họ nghĩ tới việc cần lui về để chăm sóc con cái cho đủ đầy thay vì cả hai cùng lao ra ngoài kiếm tiền.

Tuy nhiên, họ không lường trước được việc chịu sự kỳ thị và coi thường của những người xung quanh, đôi khi đến từ gia đình chồng và chính người chồng. Lý do là công việc nội trợ, dạy dỗ con cái bị xem là không tạo ra giá trị.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đối với phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đang giảm đều ở Trung Quốc, từ 79% năm 1990 xuống 60% năm nay. Zheng Bingwen, giáo sư kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tăng trưởng kinh tế là yếu tố chính đằng sau xu hướng này.

“Thông thường, GDP của khu vực càng cao, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động càng thấp. Thu nhập tốt hơn cho phép nhiều gia đình chỉ có một người làm trụ cột và người vợ thường ở nhà", ông nói.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, vào năm 2019, khoảng 52% sinh viên đại học và 51% sinh viên sau đại học là phụ nữ.

Zhou Yun, phó giáo sư xã hội học và nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết thay vì chọn tham gia thị trường lao động, nhiều bà nội trợ có trình độ học vấn cao đã bị buộc thôi việc vì bất bình đẳng và áp lực gia đình. Bà Zhou cũng chia sẻ thêm, phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt giới tính tràn lan và công khai trên thị trường lao động, trong khi vẫn phải gánh vác phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái.

Ngoài ra, bà Zhou nhận định, việc nhà thì nhiều, toàn thứ không tên, người ta coi đó là công việc của phụ nữ và không có giá trị. Làm việc bên ngoài gia đình có thể là con đường duy nhất để có được sự độc lập và an toàn. Vì vậy đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao, làm nội trợ không phải là một lựa chọn khả thi.

Đã xác định danh tính 3 thi thể tại Rào Trăng 3 qua xét nghiệm ADN Người dân cần biết về những tuyến đường đang điều chỉnh hướng đi tại TP.HCM Một nam thanh niên bị lũ cuốn trôi tại Kon Tum Làn sóng tẩy chay Hương Giang bùng nổ sau lời xin lỗi của "trùm" antifan
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp